Tỉnh Phú Yên xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất tại danh thắng quốc gia đầm Ô Loan (huyện Tuy An) phù hợp với từng loại hình kinh tế, xã hội, khu vực bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích danh thắng và điều kiện tự nhiên.
Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1996. Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền. Đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên; đầm cũng nhận nước ngọt từ sông Cái và các con suối nhỏ chung quanh đổ vào.
Đầm Ô Loan xưa còn là địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, nơi đây còn có Lễ hội Cầu ngư (hay Lễ cúng cá Ông) của ngư dân quanh đầm thu hút hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên. Sau lễ chính cúng cá Ông cầu mưa thuận gió hòa, mong cuộc sống ấm no sẽ là hát tuồng và các thể loại dân ca truyền thống. Tiếp đó là các cuộc thi tài thể thao, với các nội dung: Đua thuyền chài, đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, bơi lội với nhiều nội dung...
UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh đầm Ô Loan.
Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Tuy An nói riêng, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh đầm Ô Loan. Theo đó, vị trí, ranh giới khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc một phần diện tích của 4 xã xung quanh đầm Ô Loan. Ranh giới trong khu vực nghiên cứu lập quy hoạch trùng với ranh giới trong khu vực bảo vệ I của di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025 và đề án chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 đã được phê duyệt; xác định chức năng sử dụng đất cho từng khu đất phù hợp với từng loại hình kinh tế, xã hội, khu vực bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích danh thắng và điều kiện tự nhiên; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan và yêu cầu về định hướng phát triển không gian cho toàn bộ khu vực lập quy hoạch…
Theo đồ án, quy mô dân số đến năm 2040 là 78.600 người và diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 4.177 ha. Tính chất khu vực lập quy hoạch sẽ là khu vực phát triển các chức năng dịch vụ du lịch gắn với danh lam thắng cảnh quốc gia, thuộc nội thị thị xã Tuy An (tương lai). Ngoài ra, đây là khu vực phát triển đô thị trên trục đô thị hóa phát triển theo hướng Bắc - Nam (quốc lộ 1) tỉnh Phú Yên; hỗ trợ đóng góp vào tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, du lịch vùng tỉnh nói chung và huyện Tuy An nói riêng.
Quy hoạch được triển khai nhằm xác định rõ từng vùng, cảnh quan cần được bảo vệ và phát triển tại đầm Ô Loan.
Xung quanh đầm Ô Loan được phân thành 6 vùng kiến trúc, cảnh quan: Vùng xây dựng và phát triển đô thị; vùng xây dựng và phát triển dân cư đô thị; vùng xây dựng và phát triển đô thị mới; vùng xây dựng và phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch tập trung; vùng cảnh quan và các dịch vụ sinh thái; vùng bảo tồn và cây xanh cách ly. Toàn bộ bề mặt đầm Ô Loan là không gian chủ đạo để bố trí các chức năng sử dụng đất cũng như các khu vực không gian mở.
Mạng lưới các tuyến trục chính: Các tuyến đối ngoại gồm Quốc lộ 1 đường An Hiệp – An Hòa Hải, đường ven biển; trục cảnh quan chính đô thị gồm tuyến liên xã, tuyến ven biển, tuyến kết nối từ Quốc lộ 1 ra đầm; tuyến cảnh quan dịch vụ, du lịch gồm đường ven đầm, ven biển; tuyến cảnh quan ven đầm hiện trạng. Bố trí 4 cửa ngõ để tiếp cận khu vực lập quy hoạch tại 4 vị trí: Phía Tây Bắc, Đông Bắc, Nam và phía Tây Nam.
Các công trình xây dựng khống chế tầng cao từ 2 đến 9 tầng; các công trình xây dựng trên đồi núi có chiều cao tối đa 2 tầng; các công trình xây dựng ven đầm, ven biển có chiều cao từ 2 đến 4 tầng; đối với trường hợp đặc biệt tùy theo kích thước, quy mô diện tích của khu đất, tầng cao công trình sẽ được xác định cụ thể nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Mật độ xây dựng gộp tùy theo từng loại công trình, dự án được khống chế dưới 60%.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 112 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh với các loại hình: di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh, và 263 di tích nằm trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh công bố theo tiêu chí quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về chuyên môn, phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, đề án trên đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy di tích; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; phân cấp quản lý di tích; tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích; lập quy hoạch di tích; lập thủ tục cấp phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích, lập danh mục di tích kêu gọi xã hội hóa đầu tư...
Thu Trang