Nhằm phát huy giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và mang lại giá trị kinh tế, những sản phẩm tre nứa của chàng trai Vân Kiều đã tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên địa phương và góp phần quảng bá bản sắc dân tộc của huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị.
Anh Hồ Văn Giỏi tận dụng những hội chợ thương mại, các đợt giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp để giới thiệu với khách hàng. Ảnh: Tiêu Dao
Đã bao đời qua, người Vân Kiều (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn sống nhờ rừng, coi rừng là người bạn thân thiết, rừng cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu vô tận như mây, tre, nứa, lá... Nhưng làm sao để tre nứa làm cho đời sống người Vân Kiều ngày một khá hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đau đáu với những suy nghĩ đó, Hồ Văn Giỏi (người Vân Kiều, thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt) đã nhanh chóng tận dụng cơ hội khi có nguồn tài trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương, giúp tăng sinh kế cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Được sự hỗ trợ về kỹ thuật, cùng với việc tìm tòi những sản phẩm tre nứa ở nhiều nơi, qua bàn tay cần cù và khối óc sáng tạo, anh Giỏi cùng những thanh niên ở địa phương đã làm nên những sản phẩm từ tre phục vụ cho sinh hoạt gia đình và cộng đồng cư dân trong làng. Đồng thời, anh Giỏi cũng tận dụng những thời điểm tổ chức hội chợ thương mại, các đợt giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ở địa phương, ở tỉnh hay các tỉnh bạn để mang sản phẩm đến giới thiệu và được đón nhận rất nhiệt tình.
Anh Giỏi cho biết, mỗi sản phẩm từ cây tre nứa do người Vân Kiều quê anh làm ra đều ẩn chứa trong đó sự khéo léo, cần mẫn, chăm chút và hữu ích trong cuộc sống thường nhật như ống tăm, lọ hoa hay ống đựng đũa. Không chỉ tạo ra những sản phẩm hữu dụng, mà hoa văn trên các sản phẩm cũng mang đậm chất văn hóa vùng miền, văn hóa của đồng bào thiểu số. Các sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được khắc lazer hình ảnh danh lam thắng cảnh Việt Nam, chân dung người phụ nữ đồng bào Vân Kiều, các hoạt động văn hóa của đồng bào Vân Kiều...
Theo anh Giỏi, mỗi sản phẩm tre nứa trung bình mất từ 2 - 30 phút để hoàn thành, tùy vào tay nghề của người thợ. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng hết sức tỉ mỉ, tre phải lấy vào những ngày không có trăng, tre già vàng, không bị sâu mới đủ tiêu chí để đưa về sản xuất. Mức giá cho các sản phẩm là từ 5.000 - 150.000 đồng với đa dạng chủng loại. Đặc biệt, thôn Trăng Tà Puồng là một trong những nơi đầu tiên của xã Hướng Việt có cơ sở sản xuất tre nứa do người Vân Kiều chế tạo, đã giúp người dân tận dụng nguồn vật liệu sẵn có tại địa phương để mang lại thu nhập, nâng cao giá trị kinh tế và thổi vào đó bản sắc văn hóa dân tộc mình. Anh Giỏi hy vọng rằng, sản phẩm mang đậm văn hóa vùng cao này sẽ cho mọi người thấy được tiềm năng phát triển kinh tế ở địa bàn.
Anh Hồ Văn Giỏi cùng những thanh niên ở địa phương đã làm nên những sản phẩm từ tre. Ảnh: Tiêu Dao
Hơn 6 năm qua, mô hình sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre nứa của thanh niên Vân Kiều ở địa phương này với những sản phẩm ống hút, hộp đựng tăm, cốc uống nước... đang được một số người trẻ Vân Kiều sản xuất, mang lại cơm áo hàng ngày với thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng. “Bên cạnh những khóm tre có sẵn trong nương rẫy của các hộ gia đình, khi thiếu nguyên liệu, nhóm sẽ xin phép kiểm lâm, hạt quản lý rừng để đi khai thác. Chúng tôi đang sống dựa vào rừng nhưng không xâm hại tới cây gỗ rừng, mà chủ yếu thu hoạch tre nứa nguyên liệu để sản xuất” - anh Hồ La Cay, thành viên nhóm sản xuất mây tre chia sẻ.
Đối với anh Hồ Văn Giỏi, việc sản xuất các đồ từ tre nứa không chỉ là để cải thiện cuộc sống, mà còn vì đam mê, mong muốn giới thiệu được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Hiện tại, nhóm sản xuất tre nứa của anh Giỏi có 8 thành viên. Những sản phẩm do nhóm sản xuất tre nứa làm ra ngày càng đặc sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và quan trọng hơn là mang đậm chất văn hóa của đồng bào Vân Kiều. Hiện, các sản phẩm của thanh niên ở thôn Trăng Tà Puồng với tên gọi “Krơng Aho” được bày bán tại nhiều địa điểm bán đồ dùng thủ công mỹ nghệ và cả xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Giỏi cho biết, thời gian tới, các thành viên trong nhóm sẽ học hỏi, tìm tòi để phấn đấu nâng cao tay nghề, để tạo ra được các sản phẩm lớn hơn như bàn, ghế...
Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết: “Từ khi bà con Vân Kiều biết cách chế tác các sản phẩm từ tre nứa, thu nhập của họ cũng tăng lên đáng kể, nhất là khi tận dụng được thời gian rảnh rỗi sau công việc nương rẫy. Xã sẽ tiếp tục động viên và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân khác được đi học, tập huấn để mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất tre nứa trên địa bàn”.
Được biết, hiện nay, ngoài nhóm sản xuất tre nứa của anh Giỏi, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang có 6 nhóm sản xuất đồ dùng bằng tre nứa, bao gồm 4 nhóm tại xã Hướng Phùng, 1 nhóm tại xã Hướng Sơn và 1 nhóm tại xã Hướng Việt. Tất cả đều mang tới những sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, bên cạnh đó còn mang cả văn hóa đồng bào Vân Kiều trên mỗi sản phẩm của mình.
Hơn 2 năm trở lại đây, thôn Trăng Tà Puồng là một trong những địa điểm tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với cảnh đẹp của động Tà Puồng, thác Tà Puồng. Ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm bản nhỏ. Anh Hồ Văn Giỏi hi vọng rằng, những sản phẩm làm từ tre nứa của người Vân Kiều mang đậm chất núi rừng, gần gũi với thiên nhiên sẽ khiến du khách thêm thích thú, giúp người Vân Kiều không chỉ ở Trăng Tà Puồng mà nhiều bản khác có thể nâng cao thu nhập nhờ vào sản phẩm địa phương.
Tiêu Dao