Góp sức trẻ bảo vệ môi trường ở Đắk Lắk

Cập nhật: 28/12/2023
Việc bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu được tuổi trẻ hưởng ứng với những hoạt động cụ thể, thiết thực.

Giữ gìn không gian bến nước

Bến nước có vai trò quan trọng với đời sống đồng bào ở các buôn làng nhưng hiện nhiều bến nước đã xuống cấp, ô nhiễm, ít người sử dụng. Mong muốn gìn giữ không gian bến nước, bảo vệ nguồn nước, rừng đầu nguồn kết hợp quảng bá văn hóa du lịch bản địa, Huyện Đoàn Cư M'gar (Đắk Lắk) vừa phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Xã hội Bồ Công Anh và các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện dự án cộng đồng “Bản sắc Tây Nguyên”.

Ở giai đoạn 1, dự án đã hoàn thành các hạng mục: làm hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, lắp đặt điểm check-in, câu chuyện bến nước ở buôn Sah B (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar); trồng 100 cây tre khu vực đầu nguồn bến nước; tập huấn kiến thức canh tác an toàn cho người dân có đất sản xuất quanh khu vực bến nước.

Đoàn viên, thanh niên huyện Cư M’gar trồng tre khu vực đầu nguồn bến nước tại buôn Sah B (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar).

Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, dự án nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ở giai đoạn 2, dự án dự kiến sẽ vận động các hộ dân canh tác chung quanh bến nước hạn chế, tiến tới không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học để gìn giữ và bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước sạch.

Chị H’Lieo Ktla, Bí thư Đoàn xã Ea Tul thông tin, trên địa bàn xã Ea Tul còn khoảng 7 bến nước nhưng một số bến nước hiện ít được người dân sử dụng. Thời gian qua, Đoàn xã Ea Tul thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, tuyên truyền người dân giữ gìn bến nước. Năm 2021, Đoàn xã đã xây dựng “Đường hoa thanh niên”, tiến hành mở rộng đường và trồng hoa giấy, kết hợp làm giàn trụ sắt tạo vòm cho các giàn hoa tại đường xuống bến nước Ea Ching (buôn Tría), góp phần tạo cảnh quan, giữ gìn, làm đẹp bến nước.

Nâng cao nhận thức của người dân

Nhiều năm nay, dọc tuyến đường đoạn qua khu vực nghĩa trang ở tổ dân phố 1 (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) là "điểm đen" về ô nhiễm với bãi rác tự phát kéo dài bốc mùi nồng nặc. Dù các tổ chức, đoàn thể thường xuyên có những đợt ra quân dọn dẹp nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trước thực trạng trên, tháng 10/2023, Thị Đoàn Buôn Hồ phối hợp với UBND phường An Bình và các ban, ngành, đoàn thể của phường tổ chức đợt ra quân quyết tâm xóa "điểm đen" này với nhiều hoạt động như: dọn dẹp, trồng 60 cây bằng lăng tím, trồng hoa để xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp; vận động kinh phí lắp đặt camera giám sát, tổ chức lực lượng tuần tra nhằm phát hiện và xử phạt các hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định. Sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay, khu vực này đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp.

Đoàn viên, thanh niên huyện Cư M’gar thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Cùng với xây dựng tuyến đường cây xanh, thời gian qua, nhiều tổ chức đoàn thể đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong việc tiến tới xóa các “điểm đen” rác thải, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đơn cử như tại TP. Buôn Ma Thuột, Đoàn phường Tân Lợi đã vẽ tranh bích họa cho các bức tường tại tuyến đường Nguyễn Trác, là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi. Đoàn phường Thống Nhất tiến hành cải tạo bãi đất trống là nơi tập kết rác sai quy định nhiều năm qua tại khu vực đường Ngô Mây, biến nó thành một vườn hoa sạch đẹp. Đoàn phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) tái chế những lốp xe cũ, tổ chức lắp đặt hàng chục biển báo tuyên truyền trực quan, sinh động về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông gắn tại các tuyến đường, giúp người dân ý thức hơn trong việc chấp hành quy định giao thông và thực hiện lối sống xanh.

Tại huyện Cư M’gar, năm 2021, Huyện Đoàn phối hợp cùng các đơn vị thực hiện dự án “Bích họa đường phố - Bản sắc Tây Nguyên” với hoạt động vẽ tranh 3D mang chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”, trang trí cột điện, nắp hố ga công cộng, góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị của trung tâm huyện, xóa nạn quảng cáo, rao vặt trái phép. Ngoài ra, từ năm 2014, Huyện Đoàn phối hợp cùng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện triển khai xây dựng bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự giác thu gom các loại vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng bỏ vào bể thu gom. Số lượng rác này được đoàn viên, thanh niên tại các địa phương tổ chức thu gom định kỳ 2 - 3 lần/năm để xử lý và tiêu hủy theo đúng quy định. Đến nay, mô hình này đã thực hiện ở tất cả 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Huyền Diệu

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 27/12/2023