Hơn 500 năm tồn tại, trải qua bao thăng trầm, những người thợ Làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An, Quảng Nam) vẫn bền bỉ bảo lưu kỹ thuật sản xuất truyền thống. Đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, sáng tạo nhiều mẫu mã mới phù hợp với xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ. Cùng với đó, chính quyền và người dân cũng luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn di sản, quản lý du lịch, bảo vệ môi trường để phát triển Làng gốm Thanh Hà hướng tới du lịch xanh, bền vững.
Lễ giỗ Tổ nghề gốm là hoạt động văn hóa thu hút đông đảo người dân và du khách
Du lịch xanh đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, Làng gốm Thanh Hà đã nhận được sự quan tâm và cơ chế thuận lợi qua nhiều chính sách quản lý của các ngành, các cấp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, định hướng ban đầu để hình thành nền tảng du lịch xanh.
Từ cách đây 20 năm, trong quá trình phát triển du lịch ở Làng gốm Thanh Hà, các di sản và tài nguyên văn hóa nơi đây đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư. Chẳng hạn như năm 2001, Hội An đã lập tuyến tham quan Làng gốm Thanh Hà là điểm du lịch đầu tiên ngoài khu Phố cổ Hội An. Năm 2004, tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án “Khôi phục và phát triển Làng gốm Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch”... Đến nay, Làng gốm Thanh Hà là một trong những điểm du lịch thu hút khá đông du khách khi đến với Hội An. Thời kỳ du lịch đạt đỉnh điểm vào năm 2019, có tới 707.549 lượt khách/năm, trung bình có 1.939 khách/ngày tham quan Làng gốm.
Dịch vụ tour ở đây có sự kết hợp với các điểm đến di sản khác của Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng như Phố cổ Hội An, Rừng dừa Bảy Mẫu, Làng mộc Kim Bồng, Làng rau Trà Quế (Hội An), Khu đền tháp Mỹ Sơn, Danh thắng Ngũ Hành Sơn…; do mang tính giáo dục cộng đồng cao, nên đã được nhiều trường học đưa vào chương trình tham quan trải nghiệm cho các học sinh. Các tour du lịch thân thiện với môi trường như di chuyển bằng xe buýt điện đến Làng gốm, các món quà được gói bằng giấy báo, túi giấy… đã góp phần giúp môi trường du lịch trở nên an toàn, bền vững hơn.
Nghệ nhân làng nghề chú trọng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường
Các sản phẩm gốm thân thiện với môi trường cũng được chú trọng nghiên cứu sản xuất, trong đó nổi bật là sản phẩm quà lưu niệm 12 con giáp kích thước nhỏ, gắn với câu chuyện văn hóa Việt Nam, các dòng tranh gốm, mặt nạ gốm, bộ sản phẩm ẩm thực các món đặc sản của Hội An… Nguyên liệu để chế tác là đất sét công nghiệp với tính năng mềm dẻo, thân thiện với môi trường và thích hợp sản xuất hàng lưu niệm. Nguyên liệu này có thể tự sản xuất được từ đất thường, nhờ đó cũng khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên.
Trong hoạt động sản xuất, những người thợ gốm Thanh Hà có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguyên liệu. Vào mùa mưa, họ luôn che đậy cẩn thận các ụ đất sét chưa sử dụng để chống rửa trôi. Việc thu gom đất sét thừa sau cắt gọt phôi (làm nguội) cũng được chú ý để tránh thất thoát nguồn nguyên liệu.
Hằng năm, Ban quản lý Làng gốm Thanh Hà đầu tư thùng rác mới để thu gom rác thải sinh hoạt, nhắc nhở các hộ dân về vấn đề vệ sinh, rác thải và cải thiện hệ thống hạ tầng của khu du lịch. Các điểm đón tiếp khách lắp đặt bảng thông báo ký hiệu: Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần; Phát động ngày làm sạch môi trường nhằm nâng cao ý thức người dân…
Ông Trương Hoàng Vinh, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Nội tại của di sản văn hóa tại Làng gốm đang được bảo tồn tốt. Trong công tác bảo vệ môi trường, đơn vị quản lý du lịch, thợ gốm, người dân đã có nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả theo tinh thần hướng tới môi trường xanh. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bảo vệ môi trường thì điểm đến Làng gốm Thanh Hà cần phải có nhiều sự đầu tư quy mô hơn nữa để đáp ứng các tiêu chí xanh trong tương lai. Trước mắt, cần tiếp tục tạo ra các sản phẩm lưu niệm nhỏ có chuyển tải nhiều thông điệp văn hóa, giá trị kinh tế cao. Đồng thời cần có chủ trương áp dụng công nghệ xử lý tuần hoàn nước thải, sử dụng nước thải sau xử lý để tưới tiêu cũng như tăng cường sử dụng hoặc thay thế hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng sạch…”, ông Vinh đề xuất.
Làng gốm Nam Diêu - Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí. Tháng 8.2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Vào ngày 9 và 10 tháng 7 Âm lịch hằng năm, người dân làng gốm tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức các bậc tiền nhân; đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân chia sẻ, truyền lại cho thế hệ trẻ về nguồn cội, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề của cha ông. |
Khánh Chi