Lăng Cô là một trong những "thương hiệu du lịch biển" của Thừa Thiên- Huế đang được các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và du khách trong nước và ngoài nước biết đến.
Những giá trị của thiên nhiên kiến tạo nên vùng vịnh biển này đã mở ra nhiều triển vọng về một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
Vịnh Lăng Cô nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn vươn ra biển với phía nam là đèo Hải Vân và phía bắc là đèo Phú Gia. Ở đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ. Vịnh biển này gần như kín, có độ sâu tương đối đồng đều và chiếm diện tích 150km2 trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tương đối ôn hòa. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, là nơi chuyển tiếp giữa vịnh Bắc Bộ và Biển Ðông, có núi, sông, biển, đảo, đầm phá; vừa có vùng nước mặn, vừa có vùng nước lợ, tạo nên môi trường sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao, Lăng Cô đã được đưa vào danh sách 15 khu bảo tồn biển Việt Nam với năm hệ sinh thái là: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều đá, hệ sinh thái vùng triều cát và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trong phạm vi bán kính khoảng 150km, Lăng Cô còn là tâm điểm của một vùng tập trung bốn di sản thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng cùng nhiều danh thắng nổi tiếng nhất của khu vực. Với các điều kiện nêu trên, Lăng Cô có khả năng kết nối chuỗi đô thị từ Huế - Chân Mây - Lăng Cô - Ðà Nẵng - Hội An trên hành trình "Con đường di sản miền trung". Tất cả những yếu tố đó đã mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao leo núi, sân gôn, lặn biển, thám hiểm rừng nhiệt đới, du lịch văn hóa, làng nghề,... Ngoài các tài nguyên tự nhiên phong phú, Lăng Cô còn thu hút du khách bởi những sản phẩm du lịch ẩm thực tạo nên những món ăn ngon, mang đặc trưng giao hòa của khu vực miền trung. Có thể nói, sự phát triển của du lịch Lăng Cô đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho hai trung tâm du lịch là TP Ðà Nẵng và TP Huế trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp giãn bớt lưu lượng khách tại hai trung tâm này vào mùa cao điểm và tăng thêm ngày lưu trú của du khách trong vùng.
Hiện tại, khu vực vịnh biển và bãi biển Lăng Cô, đảo Sơn Trà đang là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn du khách. Với chiến lược và quy hoạch phát triển mang tính bền vững, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã triển khai công tác xúc tiến, quảng bá, tạo dựng thương hiệu về du lịch biển Lăng Cô, nhiều sự kiện đã được tổ chức, trong đó có liên hoan du lịch "Lăng Cô - huyền thoại biển" đang từng bước định hình trở thành một sản phẩm hấp dẫn của du lịch miền trung. Sau một quá trình bổ sung, chỉnh lý hồ sơ gia nhập CLB các vịnh đẹp thế giới từ năm 2006 đến tháng 5-2009, theo khuyến cáo và đề nghị của các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế phù hợp các tiêu chí của vịnh đẹp là: Thiên nhiên, văn hóa và phát triển du lịch bền vững, các thành viên của CLB các vịnh đẹp thế giới đã xem xét, khảo sát thực địa và chính thức công nhận Lăng Cô là thành viên của CLB vào ngày 16-5 vừa qua. Như vậy Lăng Cô là vịnh thứ ba của Việt Nam sau Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang gia nhập CLB các vịnh đẹp thế giới. Cùng với việc công nhận này, thương hiệu Vịnh Lăng Cô ngày càng trở nên nổi tiếng, được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Những điều kiện tự nhiên và nhân văn là yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch Vịnh Lăng Cô và phát triển các hoạt động kinh tế biển như: Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, vận tải và cảng biển... Tuy nhiên, chính những hoạt động này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, du lịch phát triển, chất thải sinh hoạt cùng những hoạt động chuyên chở hàng hóa, vận chuyển du khách, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề về sự quá tải trong quản lý và biện pháp xử lý. Ðiều này đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Những năm qua, xác định về hướng phát triển bền vững cho du lịch Lăng Cô, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và các cấp chức năng của tỉnh đã khá thận trọng trong việc phê duyệt, cấp phép cho các dự án đầu tư vào khu vực này và cố gắng đưa các hoạt động kinh tế ở khu vực vào trong một tổng thể chung về quy hoạch với dự án quản lý tổng hợp phát triển bền vững khu vực Lăng Cô đang được chỉ đạo thực hiện.
Là một thương hiệu du lịch biển đầy triển vọng, Lăng Cô đã được xác định trong kế hoạch tổng thể của du lịch Việt Nam trở thành một trong ba vùng du lịch phát triển và trong tương lai không xa sẽ đạt được những tiêu chuẩn hiện đại, có quy mô và tầm vóc quốc tế.