Sơn La - Trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt - Lào và vùng trung du, miền núi phía Bắc

Cập nhật: 22/01/2024
Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, chỉ ra các động lực phát triển, trong đó phấn đấu đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt - Lào và vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Trong năm qua, ngành du lịch tỉnh Sơn La phục hồi nhanh chóng và có sự bứt phá với nhiều kết quả nổi bật; khách du lịch đến với Sơn La ước đạt 4,5 triệu lượt, tăng 41% so với năm 2022; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 58,2% so với năm 2022.

Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu hoàn thành 20/20 tiêu chí theo quy định của Luật Du lịch và lần thứ hai liên tiếp được vinh danh là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới. Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã được đề xuất đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Năm 2023, tỉnh đã công bố các quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch và phát động phong trào thi đua “Sơn La phát triển du lịch bền vững và hội nhập” giai đoạn 2023-2025. Nhiều quy hoạch được lập và triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Quy hoạch vùng liên huyện dọc Quốc lộ 6; Quy hoạch vùng lòng hồ sông Đà; Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cửa khẩu quốc tế Lóng Sập… Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ; thu hút đầu tư đẩy mạnh; nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu hình thành; chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ du lịch từng bước nâng cao.

Trong Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố bốn không gian kinh tế gồm: Vùng đô thị và Quốc lộ 6 (Thành phố, Mai Sơn, Thuận Châu). Vùng Cao nguyên Mộc Châu và phụ cận (Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu) có cảnh quan đẹp, đất đai phì nhiêu, khí hậu trong lành mát mẻ, dân cư đông đúc. Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà (Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên) cảnh sắc hữu tình, đa dạng sinh thái thuận lợi cho phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có du lịch sinh thái. Còn vùng cao biên giới gồm huyện Sông Mã, Sốp Cộp thuận lợi phát triển nông nghiệp đặc thù và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, triển khai các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Đặc biệt, việc phân thành 4 vùng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và điều kiện kinh tế của từng địa phương đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho lĩnh vực du lịch, là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thuê đất, mặt bằng để kinh doanh.

Khu Resort Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu.

Vịnh Uy Phong của Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel nằm ở sau dãy núi Pá Ma thuộc bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, có diện tích khoảng 10ha mặt nước được bao bọc bởi những dãy núi đá cổ trên là rừng già, đang được Công ty đầu tư khai thác với các hạng mục: Nhà hàng nổi, khu nuôi cá đặc sản, khu bơi trải nghiệm chèo sup, khu cá massa chân… Anh Là Văn Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel, chia sẻ: Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi kỳ vọng và mong muốn thời gian tới tỉnh, huyện sẽ mời gọi, thu hút được doanh nghiệp mạnh đầu tư vào du lịch vùng lòng hồ để thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa.

Thuyền trở khách du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La của Công ty cổ phần du lịch Travel Quỳnh Nhai.

3 năm qua, tỉnh Sơn La cấp mới 54 dự án với số vốn đăng ký gần 12.300 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch dịch vụ, nông nghiệp du lịch và dịch vụ thương mại, với số vốn đăng ký trên 2.200 tỷ đồng, gồm: Dự án Quảng trường thời đại và tổ hợp khách sạn hồ trên núi; Khu nghỉ dưỡng Mộc Châu Eco Garden; Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Heritage Village; xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng SM Resort… khi các dự án triển khai, hoàn thành sẽ tạo bước tiến lớn cho du lịch tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong Quy hoạch tỉnh đề ra có mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và Trung du miền núi Bắc Bộ, với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, khác biệt, gồm: Du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề… Song, để tạo đột phá thu hút đầu tư du lịch đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thời gian tới, các huyện, thành phố cần làm tốt tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo đúng quy định; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng… phù hợp với quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách; tham mưu các giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn theo hướng đồng bộ, chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường phục vụ mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch tỉnh Sơn La phát triển lên tầm cao mới...

Minh Thu

Nguồn: Báo Sơn La - baosonla.org.vn - Đăng ngày 21/01/2024