Bảo tồn, phát triển các loài nấm ở VQG Cát Tiên

Cập nhật: 12/10/2009
Sau hơn 5 năm phối hợp nghiên cứu và sưu tầm, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa công bố danh mục hơn 300 loài nấm, trong đó gần 200 loài được sưu tập và bảo quản tại phòng mẫu của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Hiện các đơn vị trên đang thử nghiệm nuôi trồng đại trà, chuyển giao công nghệ và tập huấn cho nông dân sản xuất nhằm bảo tồn và phát triển các loại nấm.
Ngoài hơn 300 mẫu nấm của gần 200 loài đã được sưu tập và bảo quản tại phòng mẫu của Vườn quốc gia Cát Tiên, nhóm nghiên cứu của 3 đơn vị nói trên cũng đã sưu tập được trên 2.000 ảnh màu của gần 400 loài nấm được phát hiện trong quá trình khảo sát, thu thập và lưu giữ gần 30 loài nấm ăn được và nấm dược liệu.
Theo điều tra khảo sát sơ bộ tại khu hệ nấm bậc cao vùng Cát Tiên theo 21 tuyến chính trải trong diện tích 60.000ha trong vòng 5 năm (2004-2009) nhóm nghiên cứu đã xác định được ở Cát Tiên hơn 300 loài nấm Đảm (basidiomycetes) thường gặp đã ghi nhận có ở Việt Nam đồng thời xác định thêm hơn 90 loài nấm mới, hơn 20 chi mới (hoặc mới tách), một họ mới là Bondarezwiaceae và một bộ mới là Bondarzewiales.

Tổng số loại phân tích định danh khoa học cho đến nay khoảng hơn 370 loài, phân bố trong 128 chi, 45 họ và 22 bộ. Ngoài ra đã phát hiện song chưa phân tích định loại được khoảng 60 loài nấm lạ.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng được bộ tư liệu ảnh tự nhiên và ảnh phân tích trong phòng thí nghiệm với độ phân giải cao của hầu hết các loài nấm đã phát hiện được, bao gồm hơn 2.000 ảnh tư liệu số hóa, đảm bảo lưu giữ làm cơ sở dữ liệu chuẩn; tiến hành phân tích hình thái giải phẫu của 330 loài, tách phân lập thuần khiết dược hơn 90 loài chuẩn bị dữ liệu cho cuốn thực vật chí cho tập Atlas - nấm Cát Tiên.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Anh - một thành viên của nhóm nghiên cứu thì với một lượng lớn các loài nấm, trong đó nấm ăn được chiếm tỷ lệ cao tại Vườn quốc gia Cát Tiên là cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm nhằm mục đích bảo tồn và đưa nguồn tài nguyên quý giá này vào thực tế.
Đến nay Trại nấm Cát Tiên đã hoàn thiện quy trình nuôi trồng và có thể chuyển giao cho người trồng nấm ở quy mô hộ gia đình hoặc trang trại lớn trên 50 loại nấm; trong đó có một số loại có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm bào ngư vua, nấm bào ngư dai, nấm mèo bạch tạng, nấm shiitake, nấm đùi gà, nấm kim châm./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+