Sở NNPTNT Quảng Ninh phối hợp UBND TP Cẩm Phả; Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ công nhận Cây di sản Việt Nam.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Sở NNPTNT Quảng Ninh, TP Cẩm Phả và các đơn vị liên quan khảo sát thực địa cây tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Ảnh: Nguyễn Thành.
Vừa qua, tại TP Cẩm Phả, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP Cẩm Phả; Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội nghị khảo sát thực địa, hướng dẫn lập hồ sơ mẫu công nhận “Cây di sản Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
Hiện các đơn vị, địa phương đang tập trung thực hiện việc kiểm đếm, rà soát, tổng hợp thông tin các cây, quần thể cây đáp ứng các tiêu chí “Cây di sản Việt Nam” để lập hồ sơ đăng ký.
Cây nhãn cổ tại di tích lịch sử đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.
Tại hội nghị, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã hướng dẫn chi tiết các đơn vị, địa phương hiểu rõ hơn về các tiêu chí, lập hồ sơ mẫu, khảo sát thực địa cây,… để hoàn thành việc lập hồ sơ công nhận cây, quần thể cây theo đúng tiêu chí.
Hiện tại, TP Cẩm Phả đã nộp hồ sơ công nhận 6 cây di sản tại đền Cửa Ông, Vườn Quốc gia Bái Tử Long; huyện Bình Liêu nộp hồ sơ công nhận quần thể cây táu, cây hồi, cây sở. Các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê, lập hồ sơ các cây đủ điều kiện công nhận theo đúng tiêu chí và nộp về Sở NNPTNT Quảng Ninh trước ngày 28/2/2024.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam hướng dẫn việc đo đạc, xác định các tiêu chí chọn cây để các đơn vị nắm được và thực hiện. Ảnh: Nguyễn Thành.
Việc nộp hồ sơ đăng ký công nhận “Cây di sản Việt Nam” sẽ góp phần thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến về các giá trị của cây xanh đến người dân và thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Việc tuyển chọn, vinh danh cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi "Bảo tồn cây di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng.
Cây di sản là những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, có từ lâu đời và có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch... Ảnh: Nguyễn Thành.
Cây di sản bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Việc lựa chọn và vinh danh cây di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Nguyễn Thành