Trong những năm qua, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, năm 2022 huyện đã triển khai thí điểm và thực hiện hiệu quả Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175). Qua đó, tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của người dân, góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường, cảnh quan trên địa bàn.
Giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện Cô Tô thực hiện phong trào “Tiếng trống sạch trường” dọn rác trên bãi biển.
Với đặc thù là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ, Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh đến doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch, khách du lịch và cộng đồng. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị vận động 5 cơ sở lưu trú thực hiện thay thế toàn bộ chai nhựa đựng nước uống bằng chai thủy tinh dùng nhiều lần để đặt trong các phòng nghỉ.
Đặc biệt, một số cơ sở lưu trú đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”, được nhiều du khách và người dân hưởng ứng, nhất là du khách nước ngoài. Người dân, du khách vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, vì thế “tour nhặt rác” đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách và nhận được sự hưởng ứng tích cực của những người làm du lịch trên huyện đảo Cô Tô.
Người dân thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ ngành Du lịch, đến nay đa số các hộ dân đều chấp hành thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” và phân loại rác thải tại hộ gia đình. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, tiểu thương đã dần thay thế, sử dụng túi nilon sinh học trong các hoạt động kinh doanh. Trong đó, 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình “Nói không với rác thải nhựa” được phát động rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức, như: Hội Phụ nữ với “Biến rác thành tiền”, “Hố ủ phân hữu cơ”; Hội Cựu chiến binh với CLB “Bảo vệ môi trường”, tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp; phong trào tổng vệ sinh thứ 5 hằng tuần…
Đặc biệt, ngành Giáo dục đã đưa việc thực hiện Đề án 175 là một tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của các trường học; phát triển rộng rãi phong trào “Tiếng trống sạch trường”, “Tuyến đường em chăm”, “Kế hoạch nhỏ”. Bên cạnh việc ký cam kết trường học không rác thải nhựa; nêu gương của cán bộ đảng viên trong thực hiện Đề án 175, các trường học trên địa bàn còn thường xuyên duy trì các buổi lao động vệ sinh tại các bãi biển, khu dân cư, nghĩa trang liệt sĩ… trung bình mỗi tuần có từ 30-35 buổi lao động tập thể của giáo viên và học sinh.
Banner tuyên truyền Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” được thiết kế sinh động, trực quan.
Công tác tuyên truyền về Đề án 175 cũng được chú trọng với các tin, bài dưới dạng banner, infographic, phóng sự truyền hình sinh động, hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thôn, khu dân cư, việc sử dụng túi nilon thân thiện trong hoạt động kinh doanh của tiểu thương trên địa bàn huyện. Hiện tại, một số tuyến đường trên địa bàn huyện đã được lắp camera giám sát, một số điểm tập kết rác thuộc Công ty CP Môi trường và Đô thị huyện Cô Tô cũng được lắp camera để theo dõi các hành vi đổ rác không đúng nơi quy định.
Ông Lê Bảo Đức, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Đô thị huyện Cô Tô, cho biết: Việc lắp camera giám sát tại một số điểm nóng về tập kết rác thải trên địa bàn huyện đã phát hiện nhiều trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định. Đơn vị đã phối hợp với các thôn, khu trực tiếp phê bình, nhắc nhở các hộ dân, hộ kinh doanh chấp hành. Hiện đơn vị đề xuất lắp thêm camera tại một số thôn, khu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, đổ rác thải không đúng nơi quy định, không đúng chỗ. Đồng thời, kiến nghị với các đơn vị, cơ quan chức năng và nhân dân cùng vào cuộc, giám sát, lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm theo chế tài của pháp luật.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án 175, huyện Cô Tô đang tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Theo ông Đặng Quang Ngạn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ trên các nền tảng thông tin đại chúng, trực quan, mạng xã hội, các trục đường chính. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát túi nilon khó phân hủy, kiểm soát các phương tiện chở hàng hóa ra đảo; nghiêm túc thực hiện cam kết không vận chuyển túi nilon đối với các hãng tàu tại Cảng Ao Tiên, Cảng Cái Rồng; tiếp tục phân loại rác thải tại nguồn tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, tập trung biểu dương các điển hình, cá nhân người tốt việc tốt; tổ chức ký cam kết năm 2024 về thực hiện không sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn. Công ty CP Môi trường và Đô thị có hướng dẫn và chỉ nhận thu gom các loại rác được phân loại tại nhà trong nhân dân, đảm bảo đủ nhân lực, vật lực để thu gom rác thải đúng quy định. Các xã, thị trấn chỉ đạo thôn, khu tiếp tục thu gom rác thải tại bãi biển; đội trật tự đô thị và môi trường không để các hộ gia đình để vật liệu xây dựng trên vỉa hè, lòng đường; không để tàu thuyền đỗ ở các khu vực bãi biển liên quan đến du lịch…
Hoàng Quỳnh