Năm ngoái, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã đi tiên phong kêu gọi các doanh nghiệp, người dân, du khách chung tay giảm thiểu rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn, đặc biệt là du khách không mang đồ nhựa dùng một lần ra đảo.
Trước đó, từ ngày 01/9/2022, ngay khi du khách đặt vé tàu qua cảng Cái Rồng để ra đảo Cô Tô, đã được tuyên truyền để lại các sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết. Các loại chai nhựa, túi nhựa, túi ni lon (nếu có thể thay thế) đều được đổi thành các loại túi dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Nhân viên cảng vụ và nhà tàu đã chuẩn bị sẵn túi sinh học cho khách đựng đồ. Còn trên tàu, thay vì bán nước chai nhựa, nhà tàu sử dụng bình nước và cốc nước để phục vụ khách…
Tàu khách cao tốc tuyến Phú Quý - Phan Thiết. Ảnh tư liệu
Huyện đảo Cô Tô thu hút mỗi năm khoảng 300.000 lượt khách ra tham quan du lịch. Theo thói quen, trong hành trình ra biển đảo của mỗi du khách không thể thiếu các vật dụng bằng nhựa, túi ni lon… Do lượng khách đông, nhất là các dịp lễ, tết, nên Cô Tô phát sinh mỗi ngày hàng tấn rác thải nhựa, tạo áp lực rất lớn lên môi trường biển, trong khi năng lực thu gom, xử lý rác thải của huyện đảo còn rất hạn chế. Vì thế, cách Cô Tô hạn chế rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn rất được dư luận và du khách đồng tình, hưởng ứng.
Năm qua, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) “thắng” lớn, khi đón được trên 150.000 lượt du khách (tăng hơn 61.000 khách so với năm 2022). Bãi biển hoang sơ, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người chất phác, thân thiện, chính là sức hút của đảo ngọc Phú Quý. Dự báo năm nay lượng khách ra đảo Phú Quý còn tiếp tục tăng cao, do giao thông đi lại cả trên biển, trên bờ đã thuận lợi, nhanh chóng.
Dư luận mừng cho du lịch Phú Quý, nhưng cũng bày tỏ nhiều lo ngại môi trường hòn đảo này sẽ mau chóng ô nhiễm, xuống cấp vì rác thải nhựa, trước làn sóng du khách tràn tới. Mới đây, tại hội nghị sơ kết nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Bình Thuận tới năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã yêu cầu Phú Quý cần xây dựng mô hình “những chuyến tàu xanh” không mang theo rác thải nhựa ra đảo, để du lịch Phú Quý phát triển bền vững.
Tuyến Phan Thiết - Phú Quý hiện có 6 tàu cao tốc, mỗi năm đưa hàng trăm ngàn khách ra đảo. Nếu đồng loạt 6 tàu này đều trở thành “những chuyến tàu xanh”, thì sẽ giảm thiểu rác thải nhựa cho Phú Quý nhiều lắm. Dự kiến từ tháng 3 tới (mùa cao điểm Phú Quý đón khách), huyện đảo sẽ tổ chức lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, ký cam kết thực hiện và đón các du khách đầu tiên không mang theo rác thải nhựa ra đảo. Đây là khởi đầu một hành trình mà Phú Quý hướng tới là: 100% chuyến tàu vận chuyển hành khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý không sử dụng chai nhựa, túi ni lon, sản phẩm nhựa dùng một lần; 100% cano đưa khách ra hòn Tranh và các đảo nhỏ lẻ không sử dụng chai nhựa, túi ni lon…
Từ nay đến tháng 3, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị các sản phẩm để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần mà khách mang theo ra đảo. Huyện đảo đã đề nghị các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý và dịch vụ cano trên đảo không sử dụng chai nhựa, túi ni lon, chuyển sang sử dụng túi, bao bì sử dụng nhiều lần, dễ phân hủy; Phú Quý cũng làm các video clip tuyên truyền để phát trên các chuyến tàu cao tốc ra đảo; xây dựng các pano tuyên truyền đặt ở cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý…
Chặn rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn, từ bến cảng đưa khách ra đảo, để phát triển du lịch bền vững. Phú Quý đang cần sự hợp tác không chỉ của các doanh nghiệp vận tải, du khách, mà cả các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, cơ sở dịch vụ ăn uống và người dân trên đảo, để giảm thiểu rác thải nhựa ngay trong lượng hàng hóa vận chuyển ra đảo hàng ngày.
Khôi Nguyên