Những năm gần đây, các mô hình du lịch cộng đồng đã thúc đẩy ngành du lịch của thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái phát triển. Trong đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiên phong làm du lịch cộng đồng, không những đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp địa phương gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chị Đinh Thị Đương - Chủ cơ sở du lịch cộng đồng Muonglo Farmstay, xã Phúc Sơn sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá mô hình du lịch của gia đình.
Là một trong những người đầu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ, những ngày đầu, chị Hoàng Thị Phượng gặp không ít khó khăn nhưng với sự tâm huyết, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của mình, Homestay Luật Phượng, xã Nghĩa An do chị làm chủ ngày càng được nhiều người biết đến. Hơn 10 năm qua, cơ sở Homestay của chị đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo được uy tín với các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước. Nhờ đó, mỗi năm gia đình chị đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, chủ yếu là người Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan…
"Bản thân tôi đã được các cấp, các ngành cho đi tham quan, học hỏi làm du lịch cộng đồng ở Lào, Trung Quốc, Thái Lan và một số tỉnh, thành trong nước. Bằng kinh nghiệm đã học hỏi được và vốn kiến thức về phong tục tập quán, tôi đã trang trí nhà cửa, lựa chọn ẩm thực và tổ chức trình diễn văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Thái để tiếp đón và phục vụ du khách. Từ đó, cơ sở du lịch cộng đồng của gia đình tôi ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến, lựa chọn” - chị Hoàng Thị Phượng cho biết.
Chị Đinh Thị Đương ở xã Phúc Sơn, sau nhiều năm bươn chải, làm ăn ở xa, năm 2020 đã trở về quê hương lập nghiệp. Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch thích tìm hiểu, khám phá về bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái còn gìn giữ được nhiều nét truyền thống, chị đã đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Là chủ cơ sở du lịch cộng đồng Muonglo Farmstay, chị Đương cho biết: "Chúng tôi tự tay vào bếp và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ngay trên mâm cơm độc đáo với màu xanh của rau củ, măng rừng, cá dưới ao, gà trong vườn… Đồng thời, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm, làm những món ăn dân dã, đặc trưng của người Mường. Đặc biệt, ở đây có một không gian bản mường giúp du khách cảm nhận những giá trị văn hóa độc đáo, rõ nét của người Mường với kiến trúc nhà ở đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa thường ngày cùng tín ngưỡng và lễ hội dân gian còn lưu giữ đến ngày nay. Nhờ đó, năm 2023 đã đón trên 1.000 lượt khách, trừ mọi chi phí thu về trên 100 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương”.
Theo thống kê, năm 2023, thị xã Nghĩa Lộ đón trên 300.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 26.000 lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 275 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Thành công này có đóng góp của các mô hình du lịch cộng đồng và hội viên phụ nữ như Homestay Loan Khang, xã Nghĩa Lợi; Homestay Cương Chinh, xã Nghĩa An; Homestay Thiên Tuân, xã Sơn A; Homestay Hồng Chung, xã Nghĩa Lợi...
Bà Nguyễn Thị Lý - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch. Tranh thủ các nguồn lực đó, nhiều hội viên phụ nữ đã tiên phong, mạnh dạn tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, ẩm thực truyền thống của địa phương. Nhờ đó, toàn thị xã hiện có hàng chục mô hình du lịch cộng đồng homestay do phụ nữ làm chủ, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên về vốn, kiến thức phát triển du lịch; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ bảo tồn, giữ gìn văn hóa Thái... để nhân rộng các cơ sở du lịch cộng đồng, góp phần đưa du lịch thị xã đón trên 320.000 lượt khách du lịch trong năm 2024”.
Có thể nói, với sự năng động, sáng tạo, tự tin, các hội viên phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình, xã hội khi làm chủ các hoạt động du lịch, góp phần quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hùng Cường