Du lịch xanh được nhìn nhận là xu hướng tất yếu phải hướng đến của ngành du lịch Quảng Nam, nhưng cơ chế, chính sách để cổ xúy cho xu hướng này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu…
Làng du lịch sinh thái Đại Bình (Nông Sơn) vừa gia nhập câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa và sẽ nhận được một số hỗ trợ trong phát triển xanh nhưng vẫn cần thêm chính sách, cơ chế để tạo sự đột phá. Ảnh: Q.T
Rời rạc mạng lưới đơn vị xanh
Quảng Nam nằm trong số ít địa phương đặt quyết tâm cao phát triển du lịch xanh và thu được kết quả cụ thể. Dù vậy, sự kết nối giữa các chủ thể liên quan trong vấn đề này còn khá rời rạc.
Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa cho hay, qua hơn 1 năm được cấp chứng nhận 3 lá sâm Ngọc Linh thuộc Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, giá trị nhận diện của đơn vị có tăng thêm.
Hiện đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành xanh bằng việc mua máy nghiền lá, vỏ cây cối để nghiền và tuần hoàn thay vì chặt, thu gom chuyển cho nhân viên môi trường mang đi cũng như tiến tới thay đổi toàn bộ dụng cụ sinh hoạt của khách bằng vật liệu thân thiện. Tuy nhiên gần như đơn vị “tự bơi” trong quá trình này.
“La Siesta Hội An Resort & Spa thực hiện những việc trên hoàn toàn tự nguyện vì lợi ích của đơn vị cũng như cố gắng tiệm cận tiêu chí xanh của thế giới nhưng chúng tôi thực sự rất muốn bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam lan tỏa.
Mong rằng trong thời gian sớm nhất, chí ít cũng phải được thêm 40 - 50 đơn vị tham gia, đồng hành với nhau kết nối thành mạng lưới thì tự khắc giá trị của bộ tiêu chí này sẽ được nâng tầm” - ông Mạnh chia sẻ.
Câu chuyện của La Siesta Hội An Resort & Spa cũng phản ánh thực trạng chung “mạnh ai nấy làm” của các đơn vị du lịch đang hướng đến việc vận hành xanh trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Kế hoạch 5 năm về du lịch xanh và bền vững được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam thiết lập, bắt đầu bằng việc kích hoạt xu hướng du lịch bền vững, không rác thải nhựa vào năm 2019.
Đến nay nhiều hoạt động vẫn đang đi đúng hướng, với việc thiết lập được bộ tiêu chí du lịch xanh, tư vấn - thực hành du lịch xanh, kiểm toán chứng nhận (2020 - 2022). Duy chỉ có việc lan tỏa cả về chiều sâu, chiều rộng (tức số lượng và chất lượng) các đơn vị tham gia bộ tiêu chí du lịch xanh thì gặp nhiều trắc trở.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói dịch Covid-19 là “đòn giáng” nặng nề vào việc lan tỏa bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam bởi hầu hết doanh nghiệp du lịch giờ đây buộc phải ưu tiên tìm giải pháp tái cơ cấu để tồn tại.
Ngay cả nhiều thành viên trong hội đồng kiểm định du lịch xanh thời gian qua cũng rất chật vật để duy trì công việc thẩm định bởi không có cơ chế, nguồn lực hỗ trợ. Do đó vừa rồi hiệp hội đã chuyển giao công tác thẩm định lại cho Sở VHTTDL đảm nhận.
Hỗ trợ phát triển du lịch xanh
Quảng Nam là đơn vị đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh. Dù vậy trước đây ở nước ta cũng đã từng có một số chương trình cấp nhãn du lịch bền vững được triển khai.
Theo đại diện một khách sạn ở TP. Hội An, cách đây khoảng 10 năm đơn vị này đã được cấp nhãn Bông sen xanh cho loại hình cơ sở lưu trú du lịch bền vững nhưng thực sự hiệu ứng mang lại không nhiều.
Hiện đơn vị cũng được cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam nên rất mong muốn bộ tiêu chí này sẽ thực sự mang lại cú hích cho đơn vị nói riêng và ngành du lịch địa phương nói chung bằng các chính sách thiết thực.
Du lịch xanh, bền vững không còn là xu thế mới mẻ, nhưng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho loại hình này phát triển sâu rộng vẫn đang loay hoay, kể cả ở cấp độ quốc gia.
Tại hội nghị toàn quốc về du lịch diễn ra hồi tháng 11/2023, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn đã nêu bật việc chưa có những chính sách khuyến khích, ưu đãi, thúc đẩy rõ nét tới các mô hình doanh nghiệp xanh, bền vững.
Theo đại diện Vingroup, cần xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm doanh nghiệp dấn thân cho xu thế này và có những ưu đãi về chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, ví dụ giảm thuế, ưu tiên trong các chiến dịch quảng bá của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam…
Theo ông Phan Xuân Thanh, doanh nghiệp thực hành xanh ở Quảng Nam cần sự hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện trong ngành du lịch.
“Xu hướng trao đổi tín chỉ carbon đã hình thành, thực tế là một số doanh nghiệp ở Hội An bị mất đoàn khách chỉ vì đơn vị gửi khách ký cam kết với các tổ chức phải giảm phát thải.
Nếu chúng ta có cơ hội hấp thụ tín chỉ carbon đó thì khách sẽ đến Quảng Nam dễ dàng hơn để cân bằng tín chỉ carbon. Cơ hội thúc đẩy thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong du lịch là có cơ sở với Quảng Nam.
Mặc dù mới hình thành nhưng nó sẽ tiến triển nhanh trong tương lai, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để nắm bắt cơ hội đi trước, đón đầu” - ông Thanh phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL cho hay, sở đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2030 với nhiều chính sách, nội dung hỗ trợ thiết thực, phù hợp với tình hình, mô hình phát triển du lịch xanh tại địa phương.
Trong năm 2024 đơn vị sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành đề án này, qua đó cụ thể hóa nỗ lực đồng hành, tiếp sức của cơ quan quản lý trong vấn đề thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Quốc Tuấn