Hoang sơ biển Khai Long

Cập nhật: 05/10/2009
Khai Long nằm trong khu vực sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau, là một cửa biển nhỏ, được bao bọc bởi rừng cây mắm, đước bạt ngàn, vùng đất còn hoang sơ thích hợp cho việc khai thác du lịch. Cửa biển Khai Long thuộc địa phận ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, chạy dài từ cửa Ông Thọ tới lâm viên Đất Mũi.

Khai Long được tạo hóa ban tặng cho một vị trí hết sức đặc biệt. Đứng ở cửa biển Khai Long vào sáng sớm, du khách sẽ được ngắm mặt trời chói đỏ nhô dần lên từ mặt biển phía đông. Vào lúc chiều tà, du khách lại được ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống trên biển cả. Mặt trời lúc này như vầng kim vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Tại đây, du khách lại có thể chiêm ngưỡng cụm đảo Hòn Khoai đứng giữa biển khơi mênh mông. Biển Khai Long hằng năm lấn dần ra biển, khoảng cách giữa đảo Hòn Khoai và bờ dường như ngày càng gần hơn.

Biển Khai Long mang một vẻ đẹp bình dị với bãi cát vàng rộng mênh mông và khá bằng phẳng. Khi thủy triều xuống, cát phơi mình dưới nắng chạy dài với những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Khu vực này còn là thiên đường của nhiều loài sinh vật biển đến sinh sản. Nơi đây có một bãi nghêu rộng lớn.

Biển Khai Long có hệ sinh thái đa dạng. Đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài cây như: vẹt, mắm, bần... đặc biệt là cây đước - biểu tượng của rừng ngập mặn. Khai Long còn có những hàng dương chạy dài bên dải cát vàng, đêm ngày vi vút reo ca, hòa âm cùng sóng biển.

Hiện nay, tại Khai Long đã có khu du lịch Lý Thanh Long, được xây dựng trên diện tích 76ha, trong đó có khu nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái. Khu du lịch Lý Thanh Long có khu nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; tượng Nam Hải Phật đài Quan Thế Âm Bồ Tát, tạc bằng đá Tây Tạng, cao 18m. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và du khách, Nam Hải Phật đài còn tạo thêm cảnh quan đẹp, sinh động, tăng sức hấp dẫn cho vùng biển Khai Long.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khu vực ĐBSCL và vùng ven biển Cà Mau nên đòi hỏi các ngành chức năng sớm có biện pháp bảo tồn và khắc phục để vùng biển Khai Long hoang sơ, giàu tiềm năng sinh thái này luôn hấp dẫn du khách.

Kim Dung (biên tập)

 

Nguồn: Báo Đất Mũi