Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành Du lịch nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững.
Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch với tốc độ cao đã tạo sức ép rất lớn đến việc bảo vệ môi trường tại nhiều điểm, khu du lịch trên cả nước. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, tăng trưởng xanh trở thành định hướng phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật thể hiện quan điểm hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch. Một trong những quan điểm phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy "tôn trọng môi trường" làm nguyên tắc, ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh".
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020) nêu rõ sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại khu, điểm du lịch. Quyết định số 1316/QĐ-TTg Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam còn chỉ ra đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, có những hướng dẫn về việc giảm thiểu rác thải nhựa…
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch.
Thời gian qua, các địa phương đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, giảm thiểu rác thải trong đó có rác thải nhựa ở các điểm đến để phát triển du lịch xanh, bền vững. Thành phố Hội An (Quảng Nam) - điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Lượng rác thải phát sinh ở đây mỗi ngày là gần 100 tấn và sẽ tiếp tục nhiều thêm; trong đó rác thải nhựa dùng một lần chiếm 15 - 23%. Ngay từ năm 2020, Hội An đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, du khách hạn chế và giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần.
Tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa" thải ra môi trường và du khách không còn đồ nhựa dùng một lần. Đây là hành động thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng du lịch cả nước về phát triển du lịch xanh bền vững. Trước đó, tháng 10/2022, Hội An đã ra mắt mô hình “Trạm đong đầy” ở chợ - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặt biệt là rác thải nhựa. Hội An phấn đấu các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; mỗi năm giảm từ 13 - 15%, để đến năm 2025 ở đây không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.
Từ tháng 9/2023, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch. Cô Tô kêu gọi mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), các cơ sở lưu trú cũng tích cực dùng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần... Ngay từ tháng 3/2022, UBND huyện Côn Đảo đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2024. Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Từ đó, Côn Đảo sẽ là đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình đô thị giảm nhựa trên toàn cầu. Ở đây, nhiều hoạt động truyền thông đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của du khách, người dân và cộng đồng về giảm sử dụng túi nilon, nhựa sử dụng một lần...
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch, làm mới các sản phẩm đang có. Cùng với đó, Ninh Bình còn coi trọng công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Ngành Du lịch Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số: 07/NQ-TU ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về “Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Theo đó, “Phát triển du lịch Ninh Bình cần quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư, đảm bảo cho cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch”. UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Trên nguyên tắc: Phát huy giá trị di sản phải kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường cảnh quan, bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch như đường giao thông, xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạo cảnh quan, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan du lịch, kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo phục hồi nguyên trạng tốt nhất tại các điểm du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang thực hiện dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" giai đoạn 2023 - 2024. Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực sẽ thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch. Dự án gồm 3 hợp phần chính, trong đó đáng chú ý là việc thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam. Hiệp hội xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. Hiệp hội mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; bảo vệ môi trường xanh bền vững, góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Việc hạn chế, giảm thiểu tiến tới nói không với rác thải nhựa cũng là mục tiêu của ngành Du lịch để hướng tới phát triển bền vững.
Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội... Việc hạn chế, giảm thiểu tiến tới nói không với rác thải nhựa cũng là mục tiêu của ngành Du lịch để hướng tới phát triển bền vững. Đây thực sự là việc có thể làm ngay và cần thực hiện nhanh chóng, huy động cộng đồng, du khách cùng tham gia với nhiều mô hình sinh động.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh và trách nhiệm với xã hội, môi trường và cả cộng đồng người dân bản địa. Các sản phẩm du lịch khi đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường, xã hội sẽ ngày càng được chào đón, thu hút sự quan tâm và hấp dẫn du khách đến, thậm chí là quay lại điểm đến ngày càng nhiều hơn.
Với lợi thế nước biển ấm, bờ biển không bị cắt xẻ nên hình thành được nhiều bãi tắm đẹp không nhiều nước có được, nhiều bãi tắm luôn lọt vào danh sách những điểm đến quyến rũ nhất hành tinh theo bình chọn của các tạp chí du lịch uy tín. Bên cạnh đó, với truyền thống 4.000 năm lịch sử; gắn liền hệ thống biển, đảo là các không gian văn hóa đặc sắc đã được cộng đồng người Việt Nam (người Việt, người Chăm, người Hoa…) phát triển qua nhiều thế hệ; hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đầy đặc cùng những phong tục tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… đậm sắc màu miền biển.
Có thể thấy rõ du lịch biển đảo được ví như “mỏ vàng” lớn cho Việt Nam khai thác. Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch biển, đảo; tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, ngoài chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ngành du lịch và dịch vụ biển là ngành kinh tế biển được ưu tiên hàng đầu để phát triển, Việt Nam cần tận dụng tốt lợi thế của mình, khai thác đúng cách song song với bảo vệ môi trường.
Thu Hương