Thừa Thiên Huế: Giấc mơ đưa gấu trở về rừng tự nhiên

Cập nhật: 20/02/2024
Trong tương lai, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) hy vọng chương trình nghiên cứu tái thả gấu về tự nhiên sẽ thành công, góp phần tạo nên một tương lai bền vững cho gấu hoang dã ở Việt Nam. Hy vọng ấy đã được AAF hiện thực hóa bằng tất cả những nỗ lực.

Gần đây khi Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã được AAF chọn đặt làm cơ sở 2 của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, sau cơ sở 1 ở VQG Tam Đảo đã hình thành nhiều năm trước đó.

Đầu năm mới Giáp Thìn 2024, TS. Tuấn Bendixsen, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam kiêm Trưởng đại diện AAF đã có cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Online. Ông nói lý do chọn VQG Bạch Mã làm “đại bản doanh” chăm sóc gấu sau cứu hộ: Hiện nay, vẫn còn khoảng 90 trại gấu phân bố trải dài trên khắp cả nước, việc vận chuyển tiếp nhận gấu cứu hộ từ các tỉnh miền Nam về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Tam Đảo có thể phải kéo dài nhiều ngày. Vị trí của VQG Bạch Mã tại tỉnh Thừa Thiên Huế phần nào giảm áp lực di chuyển khi cứu hộ gấu từ các tỉnh, thành phía Nam.

Toàn cảnh Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tại VQG Bạch Mã - "đại bản doanh” chăm sóc gấu sau cứu hộ-vừa được đưa vào vận hành

“VQG Bạch Mã còn có diện tích lớn và hệ sinh thái, hệ động thực vật phong phú, giàu có, được đánh giá là giàu tiềm năng đáp ứng được điều kiện sống cho gấu trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu tái thả gấu về tự nhiên, một phần quan trọng trong công tác bảo tồn bền vững gấu hoang dã tại Việt Nam trong tương lai”, vị chuyên gia lão luyện về bảo tồn gấu nhận định.

Được biết, trước khi chính thức khánh thành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã, nơi này đã đón 3 cá thể gấu được cứu hộ từ miền Bắc về chăm sóc. Có đánh giá ban đầu về tình hình sức khỏe, sự thích nghi ở môi trường mới với 3 con gấu này, thưa ông?

Ba con gấu được cứu hộ về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã hiện đang phục hồi và thích nghi tốt ở môi trường sống mới. Hiện cả 3 cá thể gấu đã được ra khu bán tự nhiên sống để tiếp tục quá trình phục hồi bản năng.

Các cán bộ thuộc Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam trong một đợt cứu hộ gấu để đưa về trung tâm

Quy trình từ khâu tiếp nhận thông tin,  cứu hộ, chăm sóc… cá thế gấu diễn ra như thế nào?

Gấu cứu hộ có thể đến từ các vụ án buôn bán động vật hoang dã, trong trường hợp đó các cơ quan chức năng sẽ liên hệ với Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam để làm thủ tục bàn giao gấu nuôi cứu hộ.

Tuy nhiên, phần lớn gấu cứu hộ được lại đến từ các trại gấu, trong đó có cả các trường hợp vi phạm pháp luật dẫn đến bị cưỡng chế tịch thu gấu và các trường hợp chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu. AAF cũng thường xuyên phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm xuống thăm các trại gấu để nắm rõ tình hình gấu bị nuôi nhốt và kết hợp tuyên truyền, vận động chủ gấu chuyển giao gấu cho Nhà nước. Trong trường hợp tự nguyện chuyển giao, các cơ quan chức năng địa phương, cụ thể trong đó có lực lượng kiểm lâm, sẽ hướng dẫn chủ gấu làm thủ tục tình nguyện chuyển giao.

Khi cứu hộ gấu, AAF sẽ có các bác sĩ, y tá thú y và các chuyên gia về hành vi của gấu tham gia cứu hộ để đảm bảo gấu được đưa về trong tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể. Để đạt được yêu cầu đó, chúng tôi luôn ưu tiên khuyến khích gấu tự di chuyển sang lồng vận chuyển, vì việc gây mê luôn ẩn chứa các nguy cơ. Chỉ khi điều kiện hiện trường không cho phép ghép lồng di chuyển gấu, chúng tôi mới thực hiện gây mê, sau đó thực hiện khám sức khỏe sơ bộ tại chỗ và chờ gấu hồi phục sau mê trước khi lên đường về trung tâm.

Những chú gấu đầu tiên được cứu hộ, đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã để theo dõi, chăm sóc

Khi về tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, gấu sẽ được cách ly trong 30 ngày nhằm theo dõi sức khỏe và tránh lây nhiễm bệnh dịch. Trong thời gian cách ly, gấu sẽ được làm quen ban đầu với môi trường sống và chế độ ăn mới. Khi gấu đã đảm bảo thể trạng, các bác sĩ thú y của trung tâm sẽ thực hiện khám sức khỏe toàn diện, phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe của gấu để chữa trị và lên phác đồ trị liệu lâu dài.

Sau thời gian cách ly, gấu sẽ được chuyển ra nhà gấu đôi để dần thích nghi với khu bán tự nhiên và làm quen ghép nhóm sống chung cùng các cá thể gấu khác. Tại khu bán tự nhiên, gấu sẽ được tham gia các hoạt động nhằm hỗ trợ phục hồi bản năng và sức khỏe. Ví dụ, thức ăn của gấu sẽ không được cho vào máng ăn tập trung mà được rải ra khu bán tự nhiên, được đặt trên các cột cao, giấu trong hốc, trong thân tre, để gấu phải vận động và dùng các giác quan của mình để tìm thức ăn. Điều đó sẽ giúp gấu phục hồi dần bản năng kiếm ăn tự nhiên. Môi trường sống và thức ăn của gấu cũng sẽ được thay đổi đa dạng nhất có thể để tạo kích thích hưng phấn cho gấu và mô phỏng phần nào môi trường tự nhiên rộng lớn, đa dạng.

Quy trình gây mê, thăm khám gấu được các chuyên gia thực hiện một cách bài bản, khoa học

Bên cạnh đó, gấu được cứu hộ về thường có nhiều vấn đề về sức khỏe và cần được điều trị lâu dài. Nếu gấu cần được uống thuốc, các bác sĩ sẽ kê đơn để hàng ngày các nhân viên chăm sóc cho gấu uống. Các nhân viên chăm sóc gấu cũng sẽ quan sát các hành vi, biểu hiện của gấu để phát hiện các bất thường để được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, tất cả các cá thể gấu sẽ đều được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 2 năm một lần.

Hơn 10 năm qua, AAF đã ngăn chặn sự xâm hại nghiêm trọng của loài gấu tại Việt Nam với gần 300 cá thể được cứu hộ. Đó có lẽ là chặng đường khó khăn, gian nan đối với tổ chức cũng như các chuyên gia?

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, AAF thực sự cũng đã gặp phải nhiều khó khăn. Trong đó có năm 2012 khi Trung tâm tại VQG Tam Đảo suýt bị di dời, hay giai đoạn đại dịch COVID-19, cách ly xã hội khiến mọi hoạt động của tổ chức bị hạn chế, các chuyên gia nước ngoài cũng không thể về thăm nhà hay thực hiện nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và cộng đồng, tổ chức đã vượt qua được mọi khó khăn, cứu hộ được hơn 270 cá thể gấu và hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho thêm nhiều loài động vật khác tại các trung tâm cứu hộ VQG, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và chủ trương của Nhà nước.

Gấu được cứu hộ thường có nhiều vấn đề về sức khỏe và cần được các chuyên gia theo dõi, điều trị lâu dài

Ông đánh giá như thế nào về tinh thần hợp tác của những chủ nuôi nhốt trái phép trong các trang trại trước những chiến dịch “giải cứu” mà AAF đã thực hiện trong những năm gần đây?

Thật lòng mà nói, chúng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều chủ gấu đã tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước vì muốn cho gấu có cuộc sống tốt hơn. Đã có chủ gấu lên thăm Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Tam Đảo, và sau khi được thấy cách chúng tôi chăm sóc gấu, họ đã đồng ý chuyển giao gấu. Điều đó cho thấy chủ gấu thực sự quan tâm đến điều kiện sống của gấu. Sự chuyển biến về suy nghĩ và nhận thức đó thực sự rất đáng trân trọng. Nhưng trong các trường hợp này, gấu nuôi đều đã được kiểm lâm gắn chip quản lý và không phải nuôi trái phép. Nếu phát hiện ra các trường hợp nuôi gấu trái phép, các cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện tịch thu gấu.

TS. Tuấn Bendixsen (phải) trong một lần trò chuyện với các chuyên gia, kiểm lâm về việc cứu hộ, chăm sóc gấu

Ngoài việc cứu hộ gấu, một trong những trọng tâm được AAF đó là giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ gấu trong cộng đồng. Việc này được thực hiện cụ thể ra sao?

AAF rất chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ gấu trong cộng đồng. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thường xuyên tiếp nhận các đoàn học sinh, sinh viên tới tham quan và tìm hiểu về công tác cứu hộ và bảo tồn gấu, trong đó có lồng ghép các chương trình giáo dục về bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã nói chung.

Ngoài việc đón khách ở trung tâm, các cán bộ giáo dục và tuyên truyền của tổ chức cũng đi xuống tận các trường học và cộng đồng địa phương để thực hiện các chương trình giáo dục và tuyên truyền. Các chương trình đó có thể được tổ chức ở nhiều hình thức, trong đó có các buổi trình bày, chia sẻ kiến thức cho các em học sinh, các cuộc thi vẽ tranh về chủ đề động vật, hoặc các buổi tuyên truyền tại các khu dân cư về các loại thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu và các sản phẩm từ động vật hoang dã, từ đó làm giảm nhu cầu buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Bên cạnh công việc chính là cứu hộ gấu, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thường xuyên tiếp nhận các đoàn học sinh, sinh viên tới tham quan và tìm hiểu về công tác cứu hộ và bảo tồn gấu

Một hình thức giáo dục, tuyên truyền của chúng tôi đã được nhiều địa phương, cơ quan đón nhận là các vườn thảo dược thay thế mật gấu. Chúng tôi đã kết hợp với các trường học và các đơn vị địa phương xây dựng hơn 30 vườn thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu. Đó là các khu vườn mẫu để các em học sinh có thể học cách chăm sóc cây, tìm hiểu về các loại thảo dược, người dân địa phương cũng có thể tìm hiều thêm về công dụng của các loại thảo dược rất quen thuộc và gần gũi có tác dụng chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe, từ đó gửi rõ thông điệp rằng: con người không cần phải săn bắn gấu và các loại động vật hoang dã khác để chữa bệnh.

Bên cạnh đó, mục tiêu mà AAF đưa ra là xây dựng chương trình nghiên cứu tái thả và bảo tồn gấu hoang dã ngoài tự nhiên. Ông có nói rõ thể về chương trình này?

Gấu là loài động vật lớn và có thể gây nguy hiểm cho con người, vì thế điều kiện để có thể tái thả gấu về với tự nhiên nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với một số loài động vật khác như khỉ, tê tê, chim. Tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa tái thả được một cá thể gấu nào về tự nhiên vì không tìm được môi trường rừng phù hợp và đạt đủ các điều kiện. Các điều kiện cần thiết ở đây bao gồm hệ sinh thái phù hợp với tập tính của gấu, có hệ động thực vật đa dạng, giàu có, diện tích lớn, xa các khu dân cư, để đảm bảo cho gấu có đủ thức ăn và không gian sống mà không bị xung đột với con người, không bị săn bắt lại, và nhiều yếu tố khác nữa.

Việc xây dựng trung tâm mới tại VQG Bạch Mã được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh hơn chương trình nghiên cứu tái thả gấu, vì VQG Bạch Mã có diện tích lớn và hệ sinh thái đa dạng hơn nhiều so với VQG Tam Đảo.

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tại VQG Bạch Mã đã xây dựng hoàn thiện các khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và hai nhà gấu đôi với bốn khu bán tự nhiên đi kèm với trang thiết bị hiện đại

Kể cả khi có môi trường rừng phù hợp rồi, thì việc tái thả gấu vẫn gặp nhiều trở ngại. Gấu được cứu hộ về một phần là gấu con chưa được học các kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên, hoặc là gấu đã bị nuôi nhốt trong các trại gấu có sức khỏe yếu và cũng rất thiếu các kỹ năng sinh tồn. Vì vậy bước đầu tiên chúng tôi cần làm là chăm sóc phục hồi sức khỏe và bản năng cho các cá thể gấu, và hiện nay đó cũng mới là bước duy nhất chúng tôi có thể làm được.

Trong tương lai khi tìm được khu vực rừng có tiềm năng tái thả, chúng tôi sẽ chọn lọc các cá thể gấu có sức khỏe tốt và đủ khả năng tự sinh tồn, nhưng sau đó cũng không thể thả gấu ngay từ trung tâm ra môi trường rừng mà cần có các bước để cho gấu làm quen dần với môi trường sống mới tự lập hơn. Trong quá trình tái thả nhiều bước, gấu sẽ luôn cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo chúng thích nghi, sinh trưởng tốt ngoài tự nhiên, từ đó mới đảm bảo được mục tiêu bảo tồn gấu hoang dã lâu dài.

Không dừng lại việc quan tâm riêng gấu, dự án hướng đến việc tạo điều kiện khách đến tham quan, qua đó cũng tạo thêm sinh kế và việc làm cho nguồn nhân lực địa phương. Ông có thể nói rõ thêm về hoạt động này?

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Tam Đảo hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, góp phần tạo thêm điểm đến cho du lịch địa phương. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng dự án tại VQG Bạch Mã cũng sẽ làm được điều tương tự.

Các chuyến thăm gấu có thể trở thành tiền đề cho thêm nhiều khách tham quan tới tìm hiểu thêm về hệ sinh thái đa dạng của VQG Bạch Mã và các danh lam thắng cảnh địa phương, đóng góp thêm cho các hoạt động du lịch hiện có tại địa phương, tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.

Theo TS. Tuấn Bendixsen trong tương lai sẽ nghiên cứu tái thả và bảo tồn gấu hoang dã ngoài tự nhiên

Đặc biệt, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam là điểm đến rất bổ ích và thu hút đối với các em học sinh, sinh viên, với các chương trình giáo dục về bảo tồn gấu và bảo vệ thiên nhiên nói chung. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã đã đón đoàn học sinh đầu tiên từ trường quốc tế UNIS vào tháng 10 vừa qua. Hy vọng trong thời gian tới, trung tâm sẽ được đón nhận thêm nhiều đoàn học sinh, sinh viên, không chỉ từ tỉnh nhà Thừa Thiên Huế và các địa phương lân cận, mà còn từ khắp cả nước, từ đó giúp VQG Bạch Mã trở thành điểm đến hàng đầu cho những người yêu thiên nhiên..

Cuối cùng, có điều gì khiến ông trăn trở? Và thông qua dự án này ông và những cộng sự đang thực hiện dự án mong muốn cũng như hướng tới trong tương lai xa hơn?

Hiện nay vẫn còn khoảng gần 300 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, vì thế để có thể đạt được mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam vào năm 2026, áp lực cứu hộ gấu trong những năm tới là rất lớn. Việc cứu hộ và chăm sóc cho hàng trăm cá thể gấu tất nhiên cần lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyền vận động các hộ dân trao trả gấu cũng rất quan trọng và đó là khâu mà nhiều địa phương đang gặp vướng mắc do thiếu cơ chế và quy định rõ ràng. AAF hiện đang rất tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương để có thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chủ gấu và tìm được hướng tiếp cận tốt nhất, tiến tới hoàn thành được mục tiêu do Nhà nước đặt ra.

Trong tương lai xa hơn, tôi rất hy vọng chương trình nghiên cứu tái thả gấu về tự nhiên sẽ thành công và đưa được gấu trở về với rừng để có thể góp phần tạo nên một tương lai bền vững cho gấu hoang dã ở Việt Nam.

Bài và ảnh: Phan Thành - AAF; Thiết kế: Quang Thiều

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 11/02/2024