Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

Cập nhật: 23/02/2024
Qua việc phát triển các điểm du lịch xanh độc đáo và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, Lâm Đồng không chỉ được du khách yêu thích mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đồng thời, việc xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển toàn diện của Lâm Đồng.

Cảnh đẹp từ thiên nhiên Đà Lạt góp phần xây dựng các mô hình du lịch xanh. Ảnh: Võ Trang

Vùng đất giàu tiềm năng

Với điều kiện đặc thù về khí hậu, cảnh quan, Lâm Đồng có lợi thế rất lớn để phát huy những thế mạnh, đặc trưng về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành khác để thu hút du khách, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Trong năm 2023, tổng lượng khách đến Lâm Đồng ước đạt hơn 8 triệu lượt, tăng trên 20% so với năm 2022, trong đó, khách quốc tế đạt trên 380.000 lượt, tăng hơn 250%, khách qua lưu trú cũng đạt ngưỡng cao trên 6 triệu lượt. Đây là con số đặc biệt ấn tượng trong bối cảnh nhiều địa phương không có được tăng trưởng du lịch, thậm chí “vắng” khách đến tham quan. 

Trước đây, Lâm Đồng từng phụ thuộc nhiều vào du lịch truyền thống, nhưng đối mặt với sự suy giảm lượng khách du lịch, tỉnh đã nhận ra rằng cần phải chuyển đổi mô hình phát triển. Từ đó, du lịch xanh, bền vững đã trở thành một hướng đi mới, giúp Lâm Đồng thay đổi và phục hồi nhanh chóng.

Với quyết tâm hướng tới một nền du lịch xanh, Lâm Đồng đã tạo ra một môi trường du lịch thân thiện với thiên nhiên và bảo vệ các nguồn tài nguyên.

Các công trình du lịch mới được xây dựng và phát triển theo tiêu chí bền vững, hài hòa với cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương. Điển hình như khu nhà xưởng cà phê bạt ngàn tại điểm tham quan Thuý Thuận Đà Lạt ở Thôn 1, xã Tà Nung (TP Đà Lạt). “Tại đây, du khách sẽ được tham quan nhà máy cà phê và khám phá quy trình sản xuất các loại cà phê Arabica, Robusta và Cherry. Các bạn sẽ hiểu hơn về công việc, văn hoá của người dân bản địa khi trò chuyện và đặc biệt bạn có thể tham gia hái những cành cà phê trĩu quả. Tất cả sẽ mang đến cho bạn một cảm giác chân thật như một người nông dân làm cà phê”, chị Đinh Thị Thuý - Quản lý Khu du lịch Thuý Thuận cho biết. Hiện tại, nơi đây đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn du khách muốn trải nghiệm du lịch nông nghiệp và du lịch xanh khi đến Đà Lạt. 

Đến nay, hầu hết các khu vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng được quy hoạch và quản lý một cách hiệu quả, đảm bảo sự cân bằng giữa sự phát triển và bảo vệ môi trường. Du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời, mà còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương như làm các đồ thủ công và tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân bản địa. Điều này không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về bản sắc, văn hóa địa phương, mà còn đóng góp vào sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh Lâm Đồng. 

Cùng với lợi thế cho các loại hình du lịch tham quan, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái; tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp với nghỉ dưỡng, Lâm Đồng còn có hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa và đặc biệt, TP Đà Lạt vẫn còn đặc trưng của “thành phố trong rừng - rừng trong thành phố”, đây là một điểm đến rất lý tưởng để tổ chức loại hình du lịch xanh hấp dẫn du khách. 

Nổi bật trong danh sách các điểm đến của Lâm Đồng được du khách yêu thích là Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam và một trong 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Ngoài ra, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng đã được UNESCO công nhận vào năm 2019 là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, “Chúng tôi đã triển khai khoảng 54 hoạt động trong năm 2023 liên quan đến bảo tồn sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Trong tổng thể một chuỗi hoạt động này, đơn vị đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục môi trường, chuyển đổi số và khôi phục các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương; đặc biệt, công tác bảo vệ động vật hoang dã để giữ được cân bằng hệ sinh thái rừng, góp phần xây dựng một môi trường phát triển xanh, bền vững trong tương lai của tỉnh Lâm Đồng”, ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chia sẻ. 

Khách tham quan mô hình du lịch trang trại và hoà mình với thiên nhiên. Ảnh: Võ Trang

Then chốt của du lịch xanh, bền vững

Để thúc đẩy du lịch xanh bền vững, Lâm Đồng đã tạo ra các chính sách và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch xanh; đồng thời đã triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và du khách có nhu cầu khám phá. Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Phát triển du lịch bền vững tại Lâm Đồng, mà điển hình là Đà Lạt, là một quá trình phức tạp, yêu cầu sự đồng lòng và hợp tác từ các bên liên quan. Chính quyền cần thông qua các chính sách và quy định linh hoạt để tạo điều kiện cho phát triển du lịch trong bối cảnh bảo tồn thiên nhiên và văn hoá. Công dân cần nhận thức và thực hiện trách nhiệm cá nhân để duy trì và bảo vệ những giá trị quý giá của Đà Lạt. Các doanh nghiệp du lịch cần áp dụng các phương pháp hiện đại và bền vững để đảm bảo sự phát triển của mình cũng như cả khu vực. Chỉ khi có sự đồng lòng và cùng nhau hành động, du lịch bền vững tại Lâm Đồng mới thực sự trở thành hiện thực, đem lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và môi trường”. 

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh việc xây dựng các dự án du lịch xanh, bao gồm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Điều này giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và góp phần vào việc xây dựng một Lâm Đồng xanh, sạch và bền vững; các hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo mọi yếu tố về giao thông và dịch vụ du lịch được nâng cao. Hệ thống đường bộ, sân bay không ngừng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển du khách đến Lâm Đồng và đi các địa phương khác. 

Để tiến tới phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch xanh, chất lượng cao, tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường thực hiện các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch địa phương, đẩy mạnh các chương trình kết nối, xúc tiến du lịch và chú trọng nổi bật các đặc điểm về phong cảnh, văn hoá trên xứ cao nguyên. Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã chia sẻ: “Việc đồng bộ các biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong ngành Du lịch đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng cũng đang tiến hành các chương trình và dự án lớn về du lịch, với mục tiêu hoàn thành sớm để phục vụ khách du khách”.

Tỉnh sẽ tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là với các đối tác Hàn Quốc. Qua đó, tạo ra cơ hội hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các địa phương quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa nguồn khách du lịch đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.

Với những nỗ lực không ngừng, Lâm Đồng đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình để trở thành một điểm đến du lịch xanh mẫu mực trong cả nước; qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành Du lịch tại Việt Nam.

Ánh Nguyệt

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Ngày đăng 11/02/2024