Với những tài nguyên về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng và quỹ di sản đô thị giá trị, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận hội tụ đủ các giá trị cốt lõi để trở thành một trong những đô thị phát triển về kinh tế, khoa học, giáo dục; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đà Lạt trong sương.
Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023, cốt lõi là định hướng quy hoạch dài hạn về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong lòng đô thị và ngoài đô thị, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc đô thị Đà Lạt và hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hệ giá trị cốt lõi
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung thông tin, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045 có quy mô diện tích gần 336 nghìn ha, gấp gần 10 lần diện tích của Đà Lạt hiện tại; bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà.
Phạm vi quy hoạch được xác định từ cao độ 850 m trở lên, có các dãy núi cùng quần thể thực vật phong phú bao quanh, với đặc trưng khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm.
“Với những giá trị về đặc trưng khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, kiến trúc…, Đà Lạt và vùng phụ cận hội tụ đủ các giá trị cốt lõi để trở thành đô thị phát triển về kinh tế, đô thị nghỉ mát hấp dẫn bậc nhất Việt Nam”, ông Lê Quang Trung đánh giá.
Đà Lạt có “công năng gốc” là đô thị nghỉ mát. Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch, từ “trạm nghỉ dưỡng vùng cao”, vùng đất trên cao nguyên Langbiang này được dự báo ngay từ ngày đầu khảo sát là sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương.
Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (năm 1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành “thủ đô mùa hè” (1942-1944).
Giáo sư Jame H. Spencer, Chủ tịch Viện nghiên cứu và Phát triển Third Rock (Hoa Kỳ), thông tin, dự án quy hoạch và thiết kế đô thị Đà Lạt của Hébrard theo nguyên tắc “quy hoạch thành phố vườn”, được mong đợi là thành phố nghỉ dưỡng trên núi kiểu mẫu. Kiến trúc sư đặc biệt chú trọng việc bảo vệ cảnh quan và yếu tố mỹ quan đô thị.
Xuyên suốt dự án, ý tưởng của Hébrard là “thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt là thành phố sinh thái, không xuất hiện những ống khói từ nhà máy công nghiệp.
Sau đó 10 năm, kiến trúc sư Pineau đã đưa ra ý tưởng để bảo vệ “hình ảnh toàn cảnh của cao nguyên với cảnh đẹp tuyệt vời”, tạo ra khu vực có hình quạt lớn, không bị ảnh hưởng bởi các mảng kiến tạo.
“Đến kiến trúc sư Jacques Lagisquet, đồ án quy hoạch Đà Lạt đã làm nổi bật những nét đặc trưng là trung tâm hành chính, thành phố nghỉ dưỡng, giáo dục, trung tâm văn hóa và du lịch… Jacques Lagisquet đã giải quyết mâu thuẫn giữa yếu tố nén của thành phố trung tâm và thuộc tính phân tán của một “thành phố vườn”, Giáo sư Jame H. Spencer phân tích.
Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, Đà Lạt - Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Vùng đất này kết hợp giữa cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp với nhiều di sản lịch sử - văn hóa, tự nhiên đa dạng, tạo nên sự trải nghiệm du lịch độc đáo.
Đà Lạt còn được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những công trình và biệt thự cổ kiến trúc châu Âu. Đây còn là nơi hội tụ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của 47 dân tộc.
Đà Lạt và vùng phụ cận còn sở hữu ba Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng đô thị di sản thế giới.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, hệ giá trị cốt lõi, nổi bật của Đà Lạt chính là đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên; văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc đô thị.
“Cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt cùng với những công trình kiến trúc nằm trong tổng thể thiên nhiên, địa hình, cảnh quan, cùng với thời gian đã làm nên hệ giá trị đặc trưng của thành phố Đà Lạt”, Tiến sĩ Quảng cho biết.
Phát triển đô thị bản sắc và hiện đại
Đà Lạt là đô thị đặc biệt đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn.
Gần đây nhất, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 257/QĐ-TTg, về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phù hợp sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên và đất nước.
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung cho rằng, quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng bền vững, có tầm nhìn dài hạn, hướng tới tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, cần giải bài toán về sự cân bằng đối với các lĩnh vực, như phát triển nông nghiệp, du lịch, bảo tồn di sản; không gian, cảnh quan và kiến trúc đô thị… bảo đảm cơ sở khoa học và chiến lược phát triển bền vững.
Trong đó, cần nhận diện khoa học và có giải pháp về cân bằng phát triển du lịch chất lượng cao và nâng cao chất lượng sống cho cư dân địa phương; giữa không gian nông nghiệp thông minh, không gian rừng và sự phát triển đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu và lựa chọn mô hình phát triển đô thị Đà Lạt bảo đảm cân bằng trong phát triển không gian, cảnh quan và kiến trúc đô thị, tiến tới xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản.
Một vấn đề được đề cập là Đà Lạt trong tương lai có nguy cơ quá tải về mật độ nhà ở, dân cư và du khách, phá vỡ cảnh quan kiến trúc của thành phố.
Do đó, các kiến trúc sư đề xuất quy hoạch hệ thống giao thông thông minh; tăng cường quản lý và phân bổ không gian đô thị hợp lý, tạo ra các khu vực công cộng, công viên và không gian xanh để cải thiện chất lượng sống của cư dân và tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, thành phố Đà Lạt cần điều tra, đánh giá lại các mối tương quan, như giữa cảnh quan thiên nhiên và đô thị hóa, giữa kiến trúc (di sản) và kiến trúc mới...
Ông cho rằng, cần xác định ba vùng “lõi, đệm và vùng mở rộng”, vùng thâm canh; đồng thời, sớm xây dựng quy chế quản lý đô thị, nhất là đối với vùng lõi, di sản đô thị và công trình kiến trúc có giá trị.
Trong tham luận về “khung quy hoạch thành phố Đà Lạt”, Giáo sư Jame H. Spencer đề nghị tôn trọng và bảo vệ những giá trị về thiên nhiên, di sản và phát huy hiệu quả những giá trị đặc biệt này.
Ông đề xuất, quy tắc thiết kế cho Đà Lạt nên tập trung vào 5 yếu tố để phát triển ngành du lịch và tích hợp vào cơ sở hạ tầng của thành phố. Thành phố nên được tổ chức như là điểm đến đầu tiên cho các sự kiện, du lịch nông nghiệp, điểm đến cho sức khỏe tự nhiên và hồi phục, một điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu mới và nơi cư trú cho những chuyên gia liên quan đến nền kinh tế trong khu vực.
Để phát triển Đà Lạt thành đô thị bản sắc, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Lan Anh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, cần phát huy thương hiệu, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế; tận dụng giá trị sử dụng của từng loại tài nguyên để xây dựng định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất; xem các tài nguyên này như những tài sản có giá trị kinh tế xây dựng hình ảnh đô thị.
Bản sắc đô thị Đà Lạt cần được thể hiện qua công trình kiến trúc giá trị, hệ thống không gian công cộng và các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động cộng đồng. Cách tân đô thị cũng được xem là yếu tố quan trọng để mở ra con đường phồn vinh cho thành phố.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, để thực hiện thành công ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045; gìn giữ đặc trưng riêng của Đà Lạt, hướng tới tiêu chí tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, rất cần định hướng dài hạn, cơ chế và chính sách đặc thù.
Bài và ảnh: Mai Văn Bảo