Phú Yên khai thác tiềm năng tiến tới thành lập Công viên địa chất

Cập nhật: 29/02/2024
Tỉnh Phú Yên xác định việc thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO góp phần xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế.

Theo đánh giá của các nhà khoa học UNESCO, Phú Yên có tiềm năng, triển vọng để trở thành Công viên địa chất, hướng đến danh hiệu của UNESCO. Tỉnh hội tụ ba giá trị di sản chính để tạo thành công viên địa chất tiềm năng là di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Đặc biệt, Phú Yên có đặc trưng đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước, các công trình kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Chăm - Việt - Hoa - châu Âu, các hệ sinh thái cát ven biển, đầm phá, rạn san hô phong phú.

Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đánh giá Công viên địa chất tiềm năng Phú Yên có tầm quan trọng đặc biệt về di sản địa chất. Ở đây có sự đa dạng tuyệt vời của đá granit hình thành từ 250 triệu năm trước. Nổi bật là Gành đá đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Điện, Tháp Nhạn… Về mặt giá trị di sản, bao gồm di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể, Phú Yên có đầy đủ tiềm năng để phát triển một đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Phú Yên có tiềm năng, triển vọng để trở thành Công viên địa chất, hướng đến danh hiệu của UNESCO. Ảnh: TQ. 

Thông tin từ Bảo tàng địa chất cho biết, khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất Phú Yên có diện tích 1.575 km2 bao gồm thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một phần các huyện Phú Hòa và Sơn Hòa. Qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và địa chất đệ tứ, địa chất biển và tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng Công viên địa chất Phú Yên và cao hơn nữa. 

Tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89 ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa), thuộc Phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái xung quanh. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư...

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực... 

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng Phú Yên sẽ thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.  Ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn xác định ngành du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt.

Phú Yên cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đội ngũ quản lý về giá trị của Công viên địa chất.

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững phát huy giá trị di sản địa chất ở khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất Phú Yên thì xây dựng Công viên địa chất toàn cầu sẽ đáp ứng được hai mục tiêu lớn là bảo tồn và phát huy giá trị của của di sản địa chất. Tỉnh Phú Yên phải xem phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong việc phát huy di sản, phát triển Công viên địa chất. Tỉnh cần tận dụng lợi thế đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái ở cao nguyên, đồng bằng, ven biển, đảo, phát triển rừng, cây trồng lương thực phù hợp, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đội ngũ quản lý về giá trị của Công viên địa chất.

Trước hết, tỉnh cần làm tốt công tác lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu du lịch ẩm thực mang thương hiệu, đặc trưng Phú Yên trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô. Bên cạnh đó, tỉnh phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng chuyển đổi số đáp ứng lượng khách gia tăng khi Phú Yên được phê duyệt là Công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đã phát huy được những ưu thế về các giá trị tự nhiên và xã hội, được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng, tích cực triển khai. Công viên địa chất chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế; đồng thời là nơi hội tụ được các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả các giá trị đó cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách bền vững.

Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong Công viên địa chất, góp phần làm tăng giá trị của Công viên địa chất hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng...). 

Hiện nay, tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên Địa chất toàn cầu, đó là: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông. Những công viên địa chất toàn cầu nói trên tại Việt Nam đang ngày càng phát huy giá trị tự nhiên và cả giá trị xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa chất trong tương lai - loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.  

Hà Phương 

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 28/02/2024