Dấu ấn du lịch nơi địa đầu Tổ quốc

Cập nhật: 29/02/2024
Nói đến Trà Cổ, người ta thường nhớ đến Mũi Sa Vĩ - nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ hình Tổ quốc, nơi có bãi biển trữ tình, nơi có đình Trà Cổ giàu truyền thống văn hóa… Với những nét đẹp hoang sơ, bình dị, về Trà Cổ, mỗi người đều thêm yêu, tự hào về quê hương, đất nước cùng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc.

Về miền Trà Cổ rừng dương

Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nổi tiếng với nhiều danh lam, thắng cảnh, tuy nhiên có một địa danh không chỉ là niềm tự hào mà còn là nơi mà có lẽ bất cứ người Việt Nam nào cũng muốn được một lần đặt chân tới đó là Mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ). Đây là nơi đầu tiên đón ánh nắng mặt trời ở miền Bắc và cũng là nơi đặt nét bút đầu tiên vẽ nên bản đồ hình chữ “S” của Việt Nam.

Du khách chụp ảnh bên bức phù điêu ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu (Ảnh: Tuấn Dũng)

Mỗi khi thuỷ triều xuống, nơi đây nổi lên một doi cát dài, được người dân ví là đuôi Rồng. Cái doi cát nhỏ này tự bao đời nay vẫn hiên ngang trường tồn cùng dông gió thời gian, bởi lẽ đó, người dân gọi là Mũi Sa Vĩ. Đến Sa Vĩ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ cộng thêm phần hiện đại, đổi mới của nơi đây. Với mỗi du khách, Sa Vĩ luôn bình yên mà rất đỗi tự hào, giản dị mà cũng thật thiêng liêng.

Nhắc đến Sa Vĩ là nhắc đến nơi có nhiều điểm check-in độc đáo mà du khách mỗi khi đến thăm không thể bỏ qua. Đó là bức phù điêu, trên đó có trích ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “…Từ Trà Cổ rừng dương, đến Cà Mau rừng đước...”. Câu thơ khiến cho khoảng cách giữa miền Đông Bắc và cực Nam của Tổ quốc như gần lại. Cách bức phù điêu vài bước chân, du khách sẽ thấy cột cây số 0 (km 0). Tại cột mốc này có ghi thông tin về chiều dài đường bờ biển của đất nước ta: “Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260 km”. Cột mốc bên cửa biển bình dị mà thiêng liêng, chất chứa bao điều lớn lao. Nếu đến Trà Cổ, du khách chưa chụp ảnh ở cột mốc này thì coi như chưa đến, bởi vậy khi đặt chân đến đây, ai cũng lưu lại bức hình bên dấu mốc thiêng.

Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ - biểu tượng của Sa Vĩ cũng là một trong 12 điểm du lịch trên địa bàn thành phố Móng Cái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Công trình này gồm 3 phần: Quảng trường, cụm công trình chính và nhà dịch vụ, quy tụ thành một quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, đẹp, hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc. Trên đỉnh cụm công trình là những ngọn dương hướng lên trời xanh, biểu tượng cho sự trường tồn. Từ đây hướng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của biển, bờ biển Trà Cổ cong theo hình lưỡi liềm trải dài, dải cát trắng xen lẫn những bãi đá hoang sơ.

Gắn kết tình quân - dân bền chặt

Đến với Sa Vĩ, tôi gặp những người lính biên phòng đang công tác tại Đồn Biên phòng Trà Cổ. Đóng quân ở địa đầu Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Đồn Biên phòng Trà Cổ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới trên biển và trên bộ dài 12 km, trên địa bàn các phường Trà Cổ, Bình Ngọc của thành phố Móng Cái. Do đặc thù phụ trách rộng, vừa trên biển, vừa trên đất liền nên đặt ra không ít khó khăn đối với đơn vị.

Du khách chụp ảnh tại Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (Ảnh: N.Hoa)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đồn Biên phòng Trà Cổ luôn quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân trên biên giới”. Mỗi người lính đều quyết tâm “chắc tay súng, bám địa bàn” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thường xuyên, Đồn Biên phòng cũng phối hợp với các đơn vị, lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuần tra kiểm soát, giữ vững an ninh trật tự.

Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới và an toàn trong đơn vị. Ngoài việc canh gác, tuần tra, những người lính luôn gần gũi, sát cánh giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đào Xuân Nguyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trà Cổ cho biết: “Đóng quân ở địa đầu Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, Đồn Biên phòng Trà Cổ luôn quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân trên biên giới”. Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân; cùng chung vai, sát cánh giúp đỡ người dân trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, nhiều mô hình, phong trào, được duy trì hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Nổi bật phải kể đến phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, chương trình “Mái ấm biên cương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”…”.

Đường biên giới an toàn, tình hình an ninh ổn định là điều kiện để nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Ở Trà Cổ, người dân ngoài đánh bắt hải sản còn làm du lịch. Cách bãi biển Trà Cổ không xa là khu dân cư với những dãy nhà cao tầng, đi dọc trục đường Tràng Vĩ, những homestay, nhà hàng, khách sạn mọc lên hai bên phục vụ khách du lịch. Đời sống của các hộ dân nơi đây ngày càng khấm khá, người dân được hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần.

Ở nơi đầu sóng, người dân Trà Cổ vẫn bền bỉ gìn giữ những nét giá trị văn hóa Việt, với tấm lòng tri ân tổ tiên, nguồn cội. Giữa xóm làng, ngôi đình Trà Cổ với những nét chạm trổ phượng, long, trải qua mấy trăm năm vẫn trường tồn để nơi đây trở thành cõi thiêng cho người dân miền biển gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống an vui, no ấm, đủ đầy. Ngôi đình Trà Cổ mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp Trung Quốc nhưng hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam…

Với những nét đẹp hoang sơ, bình dị, về Trà Cổ, đi giữa miền sóng vỗ, tôi càng thêm tự hào về quê hương, đất nước cùng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống. Tôi thấy yêu hơn những con người bình dị đang ngày đêm âm thầm gìn giữ từng thước đường biên, khẳng định chủ quyền.

N.Hoa

Nguồn: Lao động thủ đô - laodongthudo.vn - Đăng ngày 28/02/2024