Ninh Bình: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với Di sản Tràng An

Cập nhật: 04/03/2024
Với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc phát triển các sản phẩm du lịch di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An được xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc… Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An là nơi lưu giữ, bảo tồn các di tích khảo cổ học tiền sơ sử và di tích lịch sử văn hóa với nhiều dấu tích về lịch sử nhân loại, dân tộc trong nền cảnh địa chất, địa mạo riêng có với hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, có vẻ đẹp hết sức riêng biệt và độc đáo.

Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và khu vực, là nơi kết hợp một cách hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa và là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và khu vực.

Với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, do vậy, việc Ninh Bình phát triển các sản phẩm du lịch di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ thuần túy là phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch, mà quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử; diễn giải các giá trị di sản một cách chân xác, khoa học để đảm bảo rằng những giá trị quý báu này sẽ được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đặc biệt, góp phần thiết thực lan tỏa các giá trị của di sản, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng di sản, trong đó công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.

Vừa qua, tại "Tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An", các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cũng đã tham luận và thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có trên cơ sở nền tảng các di tích, di vật khảo cổ học, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể trong Quần thể danh thắng Tràng An.

Các chuyên gia tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, khi Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã đáp ứng cả 3 tiêu chí về văn hóa, thẩm mỹ, giá trị địa chất địa mạo. Vì thế, Ninh Bình có thể khai thác loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, trong đó có du lịch địa chất. Đây là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, nhằm làm giàu thêm nội dung, nâng cao chất lượng du lịch nói chung và thu hút du khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất gắn với du lịch ở Quần thể danh thắng Tràng An cần huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các điểm tham quan và cảnh quan xung quanh cũng như phát triển các cơ hội sinh kế; đồng thời phát triển hệ thống các sản phẩm địa phương chất lượng, gắn với nhãn mác công viên địa chất.

Ninh Bình cần xây dựng tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng.

Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam chia sẻ: Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc và đặc biệt hơn là di sản văn hóa gắn liền với quá trình quần tụ trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân trên lãnh thổ Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng. Bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, văn hóa sông nước đã trở thành một trong những trụ cột của văn hóa Ninh Bình và cần được khai thác trong phát triển kinh tế du lịch. Du lịch văn hóa sông nước sẽ góp phần đa dạng hóa loại hình cũng như các sản phẩm du lịch Ninh Bình, tăng sức chứa, giảm tải cho vùng trọng điểm hiện nay, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Địa phương này cần có nghiên cứu và thống kê di sản, xây dựng các phương án khai thác tiềm năng và đề xuất lên các cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sông nước.

Đối với các cơ quan chuyên môn cần xác định các loại hình du lịch, xây dựng các kịch bản, thiết kế tour tuyến, điểm khám phá, trải nghiệm, huy động các nguồn lực và xây dựng giải pháp kết nối nội và ngoại vùng. Một số sản phẩm du lịch có thể phát triển như: Thăm các di chỉ hang động tiền sử; thăm các di chỉ khảo cổ học lịch sử; cắm trại trải nghiệm không gian lịch sử kết hợp với các trải nghiệm thiên nhiên và sinh thái; cắm trại, sáng tác, biểu diễn và sáng tạo với các chủ đề có liên quan đến khảo cổ học, lịch sử và với thiên nhiên, môi trường.

Để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch này, Ninh Bình nên phân khu hợp lý cho các chức năng và loại hình hoạt động du lịch khác nhau. Cần đổi mới phương thức trưng bày, diễn giải, áp dụng một cách hợp lý các phương tiện, kỹ thuật, phương pháp trưng bày hiện đại nhằm thể hiện các câu chuyện lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn. Cùng với đó, việc đào tạo nhân sự để hướng dẫn, diễn giải cho các gói sản phẩm khác nhau liên quan đến khảo cổ học cũng là yêu cầu rất cần thiết...

Minh Hương

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 02/03/2024