Những chuyển biến gần đây cho thấy, vấn đề hạn chế rác thải nhựa đang được các cấp, các ngành và người dân vào cuộc. Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được triển khai mạnh mẽ.
Người dân TP. Huế triển khai phân loại rác tại nguồn
Loại trừ dần túi ni lông ra khỏi kệ hàng
Có một điều dễ dàng nhận thấy, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ là nơi sử dụng nhiều túi ni lông để bao gói sản phẩm và bán sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, các nơi này trực tiếp và gián tiếp thải ra môi trường lượng rác nhựa rất lớn.
Mặc dù vậy, thời gian qua, phong trào nói không với túi ni lông tại siêu thị và chợ Đông Ba đang được triển khai để khắc phục, hạn chế thải rác nhựa ra môi trường.
Siêu thị Go! Huế đang dần chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường, loại trừ dần túi ni lông ra khỏi kệ hàng và sử dụng lá chuối tươi để bọc hàng hóa trưng bày trên kệ hàng. Việc đóng gói sản phẩm, đơn vị này sử dụng túi giấy thân thiện với môi trường.
Cùng với nhiều khách hàng khác, chị Nguyễn Thị Bích Vân (phường Phú Hội, TP. Huế) tỏ ra thích thú khi thấy các mặt hàng rau củ quả được bọc bằng lá chuối tươi, gọn gàng, sạch đẹp rất bắt mắt được trưng bày. “Không chỉ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, thực phẩm tươi sống được bọc trong lá chuối đảm bảo an toàn hơn về chất lượng. Khi chúng tôi mua, hàng hóa được đóng vào những chiếc túi giấy”, chị Vân nói.
Cùng với siêu thị Go! Huế, thời gian qua, siêu thị Co.opmart Huế cũng đã dần sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho túi ni lông và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Đây cũng là cách “ghi điểm” của siêu thị với khách hàng.
Ngư dân vớt rác trên đầm phá Tam Giang trong quá trình đánh bắt thủy sản
Không chỉ diễn ra tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP. Huế mà chợ Đông Ba đã ra mắt hàng chục quầy hàng sinh thái và nhiều cửa hàng áp dụng mô hình trạm tái nạp đầy tại TP. Huế nhằm nâng cao nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng về tác động của rác thải nhựa và truyền thống để thay đổi hành vi hướng tới giảm thiểu sử dụng túi ni lông, hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa và nhựa sử dụng một lần trong sản xuất, kinh doanh.
Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba Hoàng Thị Như Thanh cho biết, khi người dân đến tham quan, mua sắm ở chợ Đông Ba họ có thể dễ dàng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, giảm sử dụng nhựa, thông qua việc mua sắm chọn thực phẩm bọc lá chuối, túi giấy, giỏ đi chợ…, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông. Ngoài ra, Ban quản lý chợ cũng đã tăng cường giáo dục người dân về tác hại của túi ni lông, khuyến khích sử dụng hạn chế, sử dụng nhiều lần để giảm ô nhiễm môi trường.
Triển khai thường xuyên
Hiện nay, rác thải nhựa trên sông và đầm phá đang trở thành vấn nạn ô nhiễm môi trường. Việc thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa là giải pháp nhằm giảm ô nhiễm do lượng rác thải phát sinh ra môi trường.
Hưởng ứng và triển khai phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", thời gian qua, người dân TP. Huế nỗ lực thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là mô hình tổ cựu chiến binh Thuận An vớt bèo, rác trên sông Phổ Lợi và tại biển Thuận An; hay mô hình tổ ngư dân vớt rác trên đầm phá của xã Hương Phong…
Các địa phương này còn huy động sự tham gia của các hội đoàn thể từ hội phụ nữ đến đoàn thanh niên dọn dẹp rác thải tại bãi biển, bảo vệ điểm đến du lịch không bị rác nhựa xâm chiếm.
Ông Lê Văn Tuất, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thuận An cho biết, việc ra quân thu gom rác thải nhựa trên bãi biển, vớt bèo trên các con sông được tổ chức hàng tuần và thường xuyên. Kế hoạch triển khai cũng phối hợp với các lực lượng khác như, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…
Không chỉ các cấp hội, tổ chức, đoàn thể, các ngư dân trong quá trình đánh bắt cá trên biển, đầm phá cũng trang bị thêm dụng cụ vớt rác như vợt, túi đựng rác để thu gom rác thải và đưa về điểm thu gom. “Việc thu gom rác thải nhựa trong quá trình đánh bắt xa bờ không chỉ giúp biển trong xanh mà còn tạo môi trường sống tốt cho cá tôm sinh sôi, phát triển”, ngư dân Trần Văn Cường chia sẻ.
Thực tế hiện nay, khi chính quyền quyết liệt vào cuộc, cộng đồng người dân đã cùng chung tay tham gia. Ngoài giảm thiểu rác thải nhựa, việc 36 phường, xã trên địa bàn TP. Huế thực hiện phân loại rác tại nguồn là điểm nhấn đáng chú ý.
Đặc biệt, hoạt động giám sát cộng đồng phân loại rác tại nguồn cũng được triển khai, đồng thời với đó là công tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý giảm thiểu rác thải nhựa. Hệ thống giám sát hành vi gây ô nhiễm cũng như thu thập dữ liệu rác thải nhựa được Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) triển khai. Trong đó tập trung xây dựng hệ thống camera giám sát hành vi xả rác bừa bãi của người dân; xây dựng và ra mắt chức năng tìm kiếm “Điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại”; xây dựng hệ thống phân tích, thống kê, phản ánh hiện trường lĩnh vực môi trường - rác thải thành phố Huế trên ứng dụng Hue-S.
“Từ việc tiếp nhận phản ánh của người dân, nhiều vấn đề về rác thải nhựa đã chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý. Mức độ hài lòng của người dân cũng đạt tỷ lệ cao. Ngoài ra, hệ thống camera sẽ nhận diện liên tục, phát hiện các điểm vi phạm chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý”, lãnh đạo IOC cho biết.
Bài, ảnh: Lê Thọ