Với tầm quan trọng và giá trị sử dụng vào mục tiêu phát triển quốc gia, việc phát triển nguồn năng lượng hydrogen đã sớm nhận được sự quan tâm, vào cuộc của Chính phủ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đang thể hiện tham vọng bước vào sân chơi rất mới này. Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít thách thức cần giải quyết để loại năng lượng này bùng nổ, đáp ứng kịp thời mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
Tiềm năng phát triển năng lượng hydro xanh ở Việt Nam rất lớn.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt đơn vị tư vấn giàu uy tín cũng như tổ chức đánh giá độc lập đã liên tục phát đi nhiều thông điệp về tiềm năng, hiệu quả kinh tế - xã hội của năng lượng hydro sạch. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam sẽ có lợi thế trong việc sản xuất hydrogen mang lại giá trị nhiều tỷ USD mỗi năm.
Sức hấp dẫn khó cưỡng
Được tạo ra bằng cách sử dụng dòng điện chạy bằng năng lượng tái tạo để tách các nguyên tử hydro từ các phân tử nước, hydrogen sẽ giúp tạo động lực tăng trưởng. Theo Deloitte, mức tăng trưởng của thị trường hydrogen đóng vai trò quan trọng với các nền kinh tế công nghiệp hóa.
Với các nước đang phát triển, hydro sạch còn mang đến cơ hội tăng trưởng bền vững, có thể chiếm gần 70% thị trường trị giá 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050, nếu khoản đầu tư vào lĩnh vực này thật sự đáng kể và đúng mục tiêu. Việc giảm thải carbon trong các lĩnh vực khó thực hiện như sản xuất thép, hóa chất, hàng không và vận tải đường biển có thể sẽ cần sử dụng lượng hydro tăng gấp sáu lần trên toàn cầu, lên tới gần 600 triệu tấn vào năm 2050.
Hydrogen được đánh giá là một trong những giải pháp nổi bật trong tiến trình toàn cầu theo đuổi một tương lai xanh hơn. Sản xuất hydrogen, được kích hoạt từ việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo và giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió, mang lại nhiều hứa hẹn cho các nước đang phát triển như Việt Nam (vốn có tiềm năng và tốc độ tăng trưởng nhanh về năng lượng tái tạo).
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng, nhu cầu hydrogen của Việt Nam ngày càng tăng và chuyển dịch năng lượng sang loại nhiên liệu không, hoặc phát thải khí nhà kính thấp là xu thế tất yếu để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhu cầu hydro xanh khác nhau ở các ngành, lớn nhất là công nghiệp năng lượng, theo sau là giao thông và công nghiệp sản xuất.
Đáng chú ý, sản xuất hydrogen còn có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, có thể kiếm về hàng tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu mua bán tín chỉ carbon ngày càng gia tăng mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu.
Sau quá trình chuẩn bị, để tạo khung chính sách cho hydrogen, mới đây Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cụ thể hơn, chiến lược hướng tới sản xuất được 100.000 - 500.000 tấn hydrogen vào năm 2030 và định hướng khoảng 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.
Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc hydrogen trong sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần chuyển dịch năng lượng và từng bước phi carbon hóa nền kinh tế.
Thực hiện Chiến lược, một loạt cơ chế, chính sách được đưa ra, bao gồm đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức đầu tư để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng như đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường; tăng cường truyền thông và hợp tác quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công thương cũng đưa ra hàng loạt giải pháp đáng chú ý về cơ chế chính sách, đầu tư tài chính và hợp tác quốc tế.
Về cơ chế, đòi hỏi bổ sung quy định về năng lượng hydrogen trong Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo nền tảng pháp lý, ban hành quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện gió ngoài khơi.
Liên quan tới đầu tư, tài chính, chiến lược xác định huy động đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường kêu gọi, sử dụng hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC...), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh.
Thảo luận tại hội nghị tham vấn đánh giá tổng thể sản xuất hydro xanh và tiềm năng ở Việt Nam. Ảnh: H.L
Nhà đầu tư “ném đá dò đường”
Những giải pháp được Bộ Công thương đưa ra nhưng vẫn chưa thỏa mãn đối với các nhà đầu tư. Một số dự án đã đặt nền móng ban đầu ở địa phương nhưng vẫn ở trạng thái thăm dò.
Có ý kiến cho rằng, trạng thái trên xuất phát từ việc nhà đầu tư chờ đợi khung pháp lý toàn diện cũng như hướng dẫn, chỉ báo cụ thể về mức tiêu thụ hydrogen tiềm năng của từng ngành công nghiệp khác nhau (tức là đầu ra sản phẩm hydrogen sẽ được ứng dụng vào ngành nào, với tỷ trọng ra sao), dù những hứa hẹn về hiệu quả đã rất tươi sáng.
Tính đến nay, toàn thị trường mới chứng kiến duy nhất một trường hợp nhà đầu tư bắt tay triển khai dự án từ hơn một năm trước. Tuy vậy, đơn vị này đến nay cho biết, vẫn chưa thể đẩy nhanh tiến độ, vì nhiều lý do.
Cụ thể, được coi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng hydrogen, Công ty CP Tập đoàn The Green Solutions (TGS) sở hữu nhà máy sản xuất hydrogen đầu tiên tại Việt Nam đặt tại tỉnh Trà Vinh. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, sử dụng công nghệ điện phân kiềm đã được doanh nghiệp này nghiên cứu từ năm 2022. Dự án đã khởi công từ đầu năm 2023, nhưng khả năng cán đích hoàn thành trong năm nay vẫn để ngỏ - theo trao đổi của đại diện TGS.
Thừa nhận Việt Nam có tiềm năng lớn đến từ đường bờ biển dài hơn 3.000 km, với nhiều “nắng, gió, nước biển”, là các nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra hydrogen xanh, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc TGS cho rằng: Cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư, nguồn nhân lực và công nghệ. Đây là cơ sở để giảm giá thành sản xuất hydrogen, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, thu hút nguồn lực tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Trong số các siêu dự án tỷ đô về sản xuất hydrogen đề xuất thời gian qua, có thể nhắc tới liên danh An Xuân - Vinapitco - Eternal Power - PECC2 (đơn vị tư vấn) đã đề xuất tỉnh Quảng Trị làm dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng, bao gồm: Các nhà máy điện mặt trời, điện gió; nhà máy sản xuất H2/NH3 dự kiến tại Khu kinh tế Đông Nam với diện tích khoảng 40 ha. Tuy nhiên đại diện một bên liên danh cho biết, vẫn để ngỏ khả năng tìm kiếm vị trí thuận lợi hơn.
Dự án Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng dự kiến phát triển ba giai đoạn với nhiều tổ hợp quy mô lớn, tổng mức đầu tư hơn 175.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô công suất điện mặt trời 700 MW, 300 MW điện gió và 193.000 tấn NH2/năm. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn này dự kiến hơn 31.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với 1.800 MW điện mặt trời, 700 MW điện gió và 465.000 tấn NH2/năm. Giai đoạn 3 gồm 1.800 MW điện mặt trời, 700 MW điện gió và 82.000 tấn H2 lỏng/năm.
Trước đó không lâu, Trungnam Group cũng đưa ra đề xuất về dự án sản xuất hydro xanh tại Quảng Trị trị giá tỷ đô nhưng tới nay vẫn “im hơi lặng tiếng”. Nguồn tin công bố của tỉnh cho biết, địa phương này đang chuẩn bị làm việc với Trungnam Group về dự án này. Được biết, doanh nghiệp này cũng thừa nhận quá trình triển khai dự án vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Điều này đồng nghĩa với việc, đến nay các ý tưởng tỷ USD của những nhà đầu tư tên tuổi nêu trên vẫn chỉ “nằm trên giấy” và chưa được cụ thể hóa trên thực địa.
Thanh Linh