Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Lực lượng thanh tra liên ngành dừng xe kiểm tra hoạt động chở khách du lịch tàu biển từ Cảng Chân Mây không đáp ứng các điều kiện theo quy định
Bát nháo, gây hình ảnh xấu
Khách xuống tàu khi tàu cập Cảng Chân Mây, ngoài một bộ phận khách đặt tour với đơn vị lữ hành, có một bộ phận lớn khách đi ra bên ngoài khu vực cảng. Tại đó, hàng loạt phương tiện và người đứng chờ sẵn. Nhiều tấm bảng ghi tên người nước ngoài được đưa lên, một số trường hợp đi theo mời gọi khách. Ngoại trừ những trường hợp đã thỏa thuận giá từ trước, vẫn xảy ra tình trạng làm giá ngay tại điểm đón. Qua nghe trao đổi, giá chở khách tham quan Đà Nẵng, Hội An có người đưa mức giá khoảng 50 - 100 USD. Cảnh làm giá, đưa đón khách ngoài khu vực cảng tạo một hình ảnh xấu, nhiều khách lắc đầu ngao ngán.
Bắt chuyện với nhiều người đón khách, có người thừa nhận chỉ biết tên khách thông qua việc khai thác trên mạng. Ngoài ra, những thông tin khác, họ hoàn toàn không rõ. Trong số ấy, có những người làm dịch vụ vận chuyển, lái xe taxi. Giá họ tự thoả thuận với khách, không thông qua đơn vị lữ hành tàu biển, không mất phí khi tàu cập cảng nên dễ dàng đề xuất giá với khách, nếu khách muốn giá rẻ.
Tình trạng các tổ chức, công ty, cá nhân tự ý khai thác khách, không đúng với các quy định của pháp luật không phải mới diễn ra. Tháng 02/2024, khi có mặt ở chốt kiểm tra liên ngành để phát hiện và xử lý tình trạng trên, chúng tôi thấy tỷ lệ xe bị lực lượng chức năng dừng lại kiểm tra và phát hiện lỗi khá lớn.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch trăn trở, qua kiểm tra, có khá nhiều cá nhân núp bóng khai thác khách du lịch, hợp thức hóa bằng hợp đồng vận chuyển; đa phần các trường hợp này không có đơn vị lữ hành tổ chức tour, không có chương trình tour, không có bảo hiểm cho khách, không cung cấp được các điều kiện về kinh doanh lữ hành quốc tế.
Nhiều xe vận chuyển khách không có phù hiệu xe du lịch; có trường hợp khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan chỉ xuất trình được hợp đồng của hợp tác xã vận chuyển, không có các chứng nhận liên quan nghiệp vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều giấy tờ không đúng quy định, không có hợp đồng vận chuyển hành khách, không có danh sách khách.
Lực lượng thanh tra liên ngành lập biên bản xử phạt các trường hợp khai thác, chở khách du lịch không đúng quy định
Ông Lê Kim Mỹ, Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng bức xúc, trước khi cập cảng của Việt Nam, đơn vị phải làm các thủ tục tiếp thị, thủ tục nhập cảnh. Tuy nhiên, các công ty, tổ chức, cá nhân thông qua nhiều cách khai thác khách không hợp lệ, gây mất công bằng trong kinh doanh du lịch, phát sinh các vấn đề an toàn cho du khách và ảnh hưởng môi trường du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, tình trạng trên rất đáng trăn trở, không chỉ làm xấu hình ảnh du lịch Huế mà còn gây mất an toàn cho du khách. Ngành du lịch luôn tạo mọi điều kiện để các tổ chức cá nhân tham gia trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách.
Rà soát, xử lý
Thực tế, có những con tàu du lịch biển chở theo hơn 3.000 khách, nhưng chưa đến một nửa trong số đó đặt tour trước khi cập cảng; nhiều du khách trong số còn lại có nguy cơ gặp rủi ro khi mua dịch vụ, tour từ những “cò” hoạt động ngay gần khu vực cảng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và trong đó du lịch tàu biển rất quan trọng. Thời gian qua, du lịch tàu biển khởi sắc. Trong năm 2024, đã có 40 tàu đăng ký cập cảng với 73.097 khách cùng 31.228 thủy thủ đoàn. Tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác khách du lịch không đúng quy định dấy lên những lo ngại về mất an toàn cho khách, làm xấu hình ảnh du lịch Huế luôn được cho là thân thiện, mến khách. Bên cạnh nhiều giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở, ngành du lịch sẽ liên tục phối hợp với các sở ban, ngành, cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý. Quan điểm của sở là kiên quyết, mạnh tay với những hành động gây hại cho môi trường du lịch Cố đô.
Nhiều khách du lịch tàu biển không lên xe đi theo chương trình tour của các đơn vị lữ hành mà đi thẳng ra bên ngoài Cảng Chân Mây (ở đó có sẵn các công ty, cá nhân sẵn sàng thỏa thuận giá)
Ngành du lịch cũng sẽ làm việc với các hãng tàu biển để thông tin cho khách du lịch về những đơn vị lữ hành phục vụ khách có đầy đủ tư cách pháp nhân, có các chương trình tour và đảm bảo các biện pháp an toàn phục vụ khách, để khách biết và đưa ra quyết định đặt tour phù hợp.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng cho rằng, phía công ty làm đầu mối được cấp phép sẵn sàng hỗ trợ các công ty trên tinh thần chia sẻ chi phí, tuy nhiên phải thông qua đơn vị đủ điều kiện đang làm đầu mối. Tình trạng khai thác hành khách du lịch trái quy định phải được chấn chỉnh, xử lý đến nơi đến chốn.
Sắp tới, ngành du lịch phối hợp với các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chốt chặn ở các vị trí, khu vực ra vào cảng để kịp thời phát hiện, xử lý kết hợp tuyên truyền, phân tích để đẩy lùi tình trạng “cò” dịch vụ, núp bóng khai thác khách du lịch không đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Minh Tâm