Ngày 15/3, tại huyện Cần Giờ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Du lịch biển đảo: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, du lịch biển, đảo đã và đang là loại hình du lịch được đầu tư khai thác và phát triển, được coi là một nhiệm vụ quan trọng góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch biển, đảo cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm việc làm cho xã hội, nhất là khu vực ven biển, bảo đảm khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế về biển, đảo gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Hội thảo được tổ chức tại huyện Cần Giờ, địa phương có định hướng phát triển đột phá kinh tế với mục tiêu “phát triển các loại hình kinh tế trụ cột là du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu; hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được phê duyệt. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm”.
Đây là cơ hội lớn đối với huyện Cần giờ để trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực và thế giới vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn, cần phải làm, cần phải có sự quyết tâm và đồng thuận xã hội, để đánh thức giấc ngủ lâu năm đầy tiềm năng của vùng đất Cần Giờ.
Cũng theo các đại biểu, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức về phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, phát triển kinh tế biển là hết sức cần thiết để giúp kinh tế địa phương này cất cánh, giúp thành phố không còn phụ thuộc vào nền kinh tế đất liền mà có thể mở rộng tiềm năng kinh tế từ vùng biển ở huyện Cần Giờ.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.
Nằm về phía Đông Nam cách trung tâm thành phố khoảng 50km, huyện Cần Giờ có bờ biển kéo dài 23km và diện tích tự nhiên hơn 71.300ha với diện tích rừng ngập mặn và sông rạch lớn, chiếm 70% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Vị trí địa lý mang tính đặc thù, được thiên nhiên hết sức ưu đãi, Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thành phố Hồ Chí Minh và mang trong mình nhiều lợi thế và tiềm năng vô cùng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Ngoài ra, vì là cửa ngõ đi lại đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh, việc định hướng chiến lược biển và an ninh quốc phòng cho huyện Cần Giờ cũng luôn là vấn đề hết sức cần thiết.
Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những thách thức, cơ hội và giải pháp để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển, trong đó có huyện Cần Giờ.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Cao Tân