Triển khai chiến dịch truyền thông giảm tiêu thụ thịt động vật hoang dã

Cập nhật: 18/03/2024
Chiến dịch truyền thông “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” được phát động nhằm kêu gọi toàn dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, cùng hành động vì động vật hoang dã, đa dạng sinh học.

Ngày 15/3, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học đã phát động chiến dịch truyền thông với thông điệp “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời,” qua đó kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã. Chiến dịch truyền thông được triển khai tại nhiều địa phương gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Bình, trong giai đoạn từ tháng 3 - 5/2024, với một loạt các sự kiện có sự tham gia của đông đảo sinh viên các trường đại học tại các địa phương.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF - Việt Nam), trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn.

Chiến dịch truyền thông “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” được phát động nhằm kêu gọi toàn dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, cùng hành động vì động vật hoang dã, đa dạng sinh học. 

Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD) do WWF - Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần khách hàng tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm.

Những phát hiện này đặt ra yêu cầu cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt ở các cấp, ngành để giảm tiêu thụ động vật hoang dã. Điều này cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) nhằm ngăn chặn và chấm dứt hành vi buôn bán ĐVHD và sử dụng thịt thú rừng. Bên cạnh đó, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ĐDSH, đẩy mạnh việc lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong quá trình hoạch định chính sách vĩ mô và đề án kĩ thuật.

Được biết, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ tháng 7/2021 - 6/2026. Mục tiêu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.

Dự án chú trọng 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.

Nguyễn Hoàng

Nguồn: Tap chí Môi trường và đô thị - moitruongvadothi.vn - Ngày 17/03/2024