Không chỉ đơn thuần là môi trường sống của các loài sinh vật, rừng nguyên sinh với đồng bào A Lưới (Thừa Thiên Huế) còn là kho dược liệu quý, là tiềm năng du lịch hiking…
Chèo SUP dưới rừng nguyên sinh. Ảnh: Phan Thắng
1. Theo chân Viên Đăng Phú, một hướng dẫn viên người Tà Ôi (A Lưới) vào rừng nguyên sinh A Pat, ai nấy trong đoàn đều háo hức. Mỗi mùa, A Pat có một vẻ đẹp khác nhau. Nhiều đoàn khách Việt Nam, quốc tế gắng sức leo núi, lội suối, trải nghiệm cuộc sống hái lượm như người bản địa. Theo chân Phú, chúng tôi biết hái rau rừng, tìm nấm, bắt cá suối, lấy bẹ chuối làm dĩa đựng thức ăn... Với người đàn ông Tà Ôi này, rừng như người mẹ, người cha lớn ôm ấp, chở che, cho bao thế hệ đồng bào cái ăn, cái mặc. Giờ đây, khách du lịch kéo đến quê hương anh nhờ sự hấp dẫn của thiên nhiên hoang dã.
Sống với rừng chỉ một ngày nhưng ai cũng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rebecca Andrew, du khách người Úc rất thích muỗng, thìa dân dã từ tre nứa nên thiết tha xin Phú làm một bộ cho riêng mình mang về nước. Mọi người còn dùng những tảng đá quây dòng nước, tạo riêng cho mình một chiếc “tủ lạnh” tự nhiên ngâm trái cây và nước uống đóng chai. Những ai may mắn gặp lúc thời tiết thuận tiện sẽ được cắm trại, ngủ lều, chờ đón bình minh và ăn sáng bên suối. Hàng trăm du khách học cách sống hòa mình vào thiên nhiên và bắt đầu yêu rừng nguyên sinh - nơi có những bụi thạch xương bồ quyện hương trong dòng nước thượng nguồn đổ về sông Hương.
Trước rừng, con người nhỏ bé trước sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên. Không lo toan vướng bận, khách chỉ việc thả lòng nghe suối chảy, chim hót. Những tâm hồn tổn thương được bà mẹ rừng xanh an ủi, vỗ về bằng thứ năng lượng hoang dã bí ẩn, bụi trần như được thanh lọc, còn lại là sự nguyên sơ thanh thản. Cũng chính vì thế, một giảng viên trẻ ở Huế đang cùng Viên Đăng Phú nghiên cứu, thiết lập tour du lịch theo kiểu “chữa lành” dành cho các bạn trẻ. Hy vọng trong nay mai, nhiều người sẽ gặp từ khóa “tour A Pat” trên các trang web giới thiệu du lịch hiking A Lưới.
2. Hơn chục lần đến A Roàng làm việc, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đỉnh A Po xem người dân trồng dược liệu. Cảm giác sáng đi A Pat, chiều trèo A Po thật… quá sức tưởng tượng. Có lẽ sự huyền bí của núi rừng đã tạo nên hấp lực khiến chúng tôi cứ mãi hăng say tiến về phía trước.
Để lên A Po, anh Nguyễn Văn Khây, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng A Roàng và chị Hồ Thị Sần dùng mũi rựa khoét vào những mỏm đất vừa đủ chỗ đặt bàn chân. Tay bám vào mỏm đá, dây rừng; một chân leo, một chân trụ… không hiểu bằng cách nào, tôi và đồng nghiệp đã đi hết hành trình trong buổi chiều sương lạnh. Chúng tôi len lỏi dưới tán rừng tìm gừng gió, thiên niên kiện được đồng bào trồng phục vụ chưng cất tinh dầu và cao xoa bóp. Anh Khây bảo: “Ngày trước dược liệu tự nhiên có giá trị, đồng bào gặp là nhổ hết về bán. Nay cây con trong tự nhiên được gom trồng, vừa giữ đất, vừa bảo vệ hệ sinh thái quần thể dưới tán rừng già. Khi khai thác cho dự án, một phần cây dược liệu được giữ lại tiếp tục ươm trồng”.
70 hộ dân ở xã A Roàng giờ đây thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng và theo dõi sự sinh trưởng của dược liệu. Nguồn lợi sau thu bán dược liệu sẽ được chia đều và tái đầu tư trở lại cho vụ sau. Từ cảnh khai thác cây thuốc trong tự nhiên cạn kiệt, giờ người Tà Ôi quay sang bảo vệ, gìn giữ để rừng sinh sôi tài nguyên.
3. Từ A Lưới về, trong đầu tôi mang theo bao chuyện hay ho sau chuyến khám phá; còn trong túi xách là sản phẩm từ rừng. Ấy là chai rượu xoa bóp từ vài loại thân, rễ cây thơm lừng; bánh xà phòng sáp ong với hoa rừng hay ống son lá rừng… Tất cả sản phẩm thú vị nói trên được chị Hồ Huế, một nữ kiểm lâm ở A Lưới làm nên. Ba mươi năm gắn bó với nghề, chị tích lũy một lượng kiến thức đáng nể về các loại cây rừng làm vị thuốc. Ngủ ở nhà chị, tôi chìm trong bầu không khí thơm tho của thảo dược phơi, ngâm. Sớm mai thức dậy, người tôi như thấm trong hương thơm của bạch đàn, hương nhu, gừng gió…
Mỗi lần đi tuần, ra chợ phiên gặp các loại cây trái ăn được hay làm thuốc, chị đều quay, chụp, hướng dẫn cách sử dụng cho bạn bè. Để có những sản phẩm thiên nhiên “handmade” chăm sóc sức khỏe cho người thân, bạn bè, chị thuê người bản địa đi kiếm nguyên liệu, gia công làm sạch. Chị còn làm trà túi lọc từ các loại nấm linh chi, sâm tự nhiên; ủ rượu nếp nương từ men lá… Ngồi với chị, tôi nghe được vô số điều thú vị từ hoa lá, cây cỏ chốn rừng già.
Chị Huế còn bày cho một số điểm du lịch nhiều món rau khai vị chào khách, loại thảo dược ngâm chân giúp thư giãn, loại lá bảo quản thực phẩm tránh nấm mốc. Chị ấp ủ kế hoạch chuyển giao cách làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe đơn giản cho một vài cộng đồng du lịch. Chị bảo: “Dưới tán rừng là kho dược liệu quý báu. Sống gần kho vàng nhưng chưa biết cách khai thác và sử dụng thì thật là lãng phí. Mình muốn làm một cái gì đó hoàn toàn "made in A Lưới" để người từ xa đến đây được đắm chìm trong không khí của núi rừng thiên nhiên”.
4. Bên cạnh rừng tự nhiên, A Lưới cũng quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu theo chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mức đầu tư gần 230 tỷ đồng. Trong khi ngành chức năng triển khai một kế hoạch quy mô xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao thì ở một số nơi, người dân đã và đang thử nghiệm mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
Ngoài cánh rừng A Po, có một cánh rừng khác là nơi ươm mầm dự án sâm Ngọc Linh. Đặc thù sâm Ngọc Linh chỉ sống dưới tán rừng già, nơi có độ che phủ rừng trên 80%, nhiệt độ dưới 25 độ C. Mô hình trồng sâm này vừa góp phần bảo vệ rừng vừa tạo công ăn việc làm cho đồng bào vùng cao. Khoảng hai năm nữa sẽ có câu trả lời cho việc triển khai loài sâm quý được xem là quốc bảo Việt Nam tại A Lưới. Khi đó, những rừng sâm tiền tỷ sẽ mở cánh cửa đổi thay cuộc sống cho người dân trên dải Trường Sơn.
Xưa rừng che bộ đội rừng vây quân thù nhưng nay rừng đang mang lại ấm no, là du lịch, là dược liệu… Trong câu chuyện khởi nghiệp với Hồ Thanh Phương, ông chủ của homestay trại cá tầm quy mô ở xã Hồng Kim, anh bảo, trải qua nhiều thất bại và lớn lên ở vùng đất này, anh nghiệm ra rằng vì sao ngày xưa cha ông dựa vào rừng núi, nương rẫy vẫn sống tốt, sao giờ lớp trẻ phải ly hương. Đất mình đó, núi rừng mình đó, chỉ cần nhiệt huyết, hăng say.
Linh Tuệ