Những năm gần đây, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) ghi nhận sự bùng nổ về phát triển du lịch. Cũng từ đây, người dân địa phương đua nhau làm homestay không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ cảnh quan. Không chỉ vậy, hạ tầng về nước, xử lý rác thải chưa theo kịp tốc độ phát triển đang khiến huyện đảo quá tải về nhiều mặt.
Du khách lên tàu ra đảo Phú Quý ngày càng tăng
Nở rộ homestay tự phát
Những ngày đầu tháng 3-2024, từ TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), những chiếc tàu cao tốc hiện đại nối đuôi nhau chở theo hàng trăm hành khách chỉ mất khoảng hơn 2,5 giờ là ra tới huyện đảo Phú Quý. Việc đi lại giữa đảo và đất liền ngày càng thuận lợi, cùng với xu hướng du lịch trở về với thiên nhiên, biển đảo ngày càng phát triển, huyện đảo Phú Quý đang trở thành sự lựa chọn lý tưởng của du khách. Theo UBND huyện Phú Quý, nếu như năm 2022, địa phương đón khoảng 65.000 lượt khách thì đến năm 2023, con số này đã lên đến 165.000 lượt, tăng hơn 2,5 lần.
Nắm bắt được nhu cầu lưu trú ngày càng cao của du khách, thời gian gần đây, hàng loạt homestay tự phát mọc lên, nhất là tại các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Các homestay được người dân cơi nới từ nhà sẵn có hoặc xây dựng mới hoàn toàn dọc các khu vực giáp bờ biển để đáp ứng thị hiếu của du khách. Nếu như năm 2019, toàn huyện đảo chỉ có 9 homestay thì đến năm 2023, con số đã tăng lên gấp hơn 10 lần.
Các mô hình homestay phát triển mất kiểm soát, không theo quy hoạch, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương đang dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, nguy cơ lạm dụng và xâm lấn trái phép đất đai, tài nguyên gây thất thu cho ngân sách.
Nhiều khách du lịch khi đến trải nghiệm tại các homestay trên huyện đảo cho rằng, hầu hết người dân xây dựng theo kiểu nhà nghỉ biệt lập, chưa đúng với loại hình homestay là phải “ăn ngủ cùng dân” nên chưa phát huy được lợi thế vốn có của địa phương. Homestay mọc dày đặc tại các khu biển cũng đang làm mất đi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ vốn có của đảo Phú Quý.
Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, cho biết, người dân đầu tư homestay ồ ạt, mạnh ai nấy làm nên khó kiểm soát. UBND huyện cũng đã cảnh báo người dân nên thận trọng đầu tư, đồng thời chỉ đạo các bên liên quan xem xét lại cơ chế, động thái để phát triển cho phù hợp...
Báo động về môi trường
Theo UBND huyện Phú Quý, với lượng du khách đến đảo trong năm 2023 lên tới 165.000 lượt, cộng với dân số huyện hiện nay khoảng 30.000 người, vấn đề rác thải, nước sinh hoạt… đang trở thành vấn đề cấp bách, cần được giải quyết.
Từ lâu nay, do sự khan hiếm nguồn nước, người dân huyện đảo ví nước như “vàng trắng”. Trước sự phát triển ngày càng nhanh, huyện đảo lại chưa có hệ thống xử lý nước thải, hiện nước sinh hoạt, sản xuất cung cấp cho người dân được khai thác hoàn toàn từ nguồn nước ngầm. Toàn huyện có 4 đơn vị khai thác, cung cấp nước cho người dân nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, 2 hồ chứa nước của huyện dù đã được xây dựng nhưng chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý nước sinh hoạt.
Bên cạnh vấn đề nguồn nước, huyện đảo Phú Quý cũng đang đối mặt với việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt, sản xuất ngày càng lớn. Tháng 4-2021, người dân huyện đảo vui mừng vì Nhà máy Xử lý rác Phú Quý được đầu tư, xây dựng, kỳ vọng giải quyết toàn bộ lượng rác thải ra. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy xử lý rác này không thể hoạt động hết công suất, đang có nguy cơ phải đóng cửa do vướng các thủ tục pháp lý.
“UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất giao hơn 2ha đất để xây dựng nhà máy, nhưng đến nay mới chỉ có 7.000m2 đất được giao. Từ đó, nhà máy không thể xây dựng như quy mô dự kiến, dẫn đến công suất xử lý rác hiện chưa đạt so với thiết kế. Lượng tro, xỉ thải ra sau khi đốt rác hiện không có chỗ chôn lấp”, bà Nguyễn Thị Tố Nữ, Phó Giám đốc Công ty Đa Lộc, chủ dự án Nhà máy xử lý rác Phú Quý, thông tin.
Theo tìm hiểu, nhà máy xử lý rác duy nhất trên huyện đảo Phú Quý đã tạm ngưng hoạt động để bảo trì từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện toàn bộ lượng rác thải của huyện đảo được tập kết về nhà máy, chờ nhà máy hoạt động lại. Đáng lo ngại hơn, hàng trăm ngàn tấn rác của huyện đảo tồn đọng từ năm 2002 (trước thời điểm có nhà máy xử lý rác) đến nay cũng chưa được xử lý, đang chôn lấp lộ thiên bên trong Nhà máy Xử lý rác Phú Quý, ảnh hướng lớn đến môi trường.
Nguyên nhân là giữa đơn vị xử lý rác và chính quyền địa phương chưa thống nhất việc tính đơn giá cụ thể. “Hiện tại, mỗi tháng nhà máy phải bù lỗ khoảng 350 triệu đồng. Nếu thời gian tới việc giao đất chưa được thông qua, nhà máy chưa được mở rộng, chỗ chôn lấp tro xỉ không có thì chúng tôi buộc phải dừng hoạt động”, bà Nguyễn Thị Tố Nữ chia sẻ.
Năm 2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Phú Quý đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đưa Phú Quý cơ bản trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển; từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, với hàng loạt những tồn tại, hạn chế đang diễn ra, tỉnh Bình Thuận cần sớm có những giải pháp mang tính căn cơ, quyết liệt để huyện đảo phát triển đúng như kỳ vọng.
Nguyễn Tiến