Đà Nẵng đang nỗ lực cải thiện môi trường Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) với kỳ vọng biến “điểm nóng” này trở thành điểm du lịch vào năm 2025.
Đà Nẵng xác định, là thành phố biển thì du khách không chỉ tham quan các di tích mà khu vực cảng cá và âu tàu cũng là địa chỉ được nhiều người quan tâm. Âu thuyền Thọ Quang là “điểm nóng” môi trường từ năm 2010.
Để xóa bỏ “điểm nóng” ô nhiễm môi trường khu vực này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp, kêu gọi ngư dân, tiểu thương và khách du lịch cùng chung tay thực hiện. Ví dụ, mô hình “Đổi rác lấy quà” đã tạo sự chuyển biến trong hành động của ngư dân. Hàng tấn rác thải đã được chính các tàu cá thu gom và giao nộp. Lượng rác thải nhựa được các tàu cá tự nguyện mang từ biển trở lại đất liền thay vì ném thẳng xuống biển như trước đây.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai hoàn thành đồng bộ gói thầu 146,846 tỷ đồng với các hạng mục nâng cấp, cải tạo cảng cá và chợ cá, xây dựng các mương, cống thoát nước, xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu vực cảng và chợ cá công suất 300m3/ngày đêm.
Đà Nẵng đang thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường ở Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang
Thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt và triển khai Dự án đầu tư nạo vét âu thuyền Thọ Quang với tổng vốn đầu tư 99,7 tỷ đồng. Song song đó, công tác tuần tra, xử phạt cũng được các đơn vị quyết liệt thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tuần tra, kiểm tra phát hiện 221 trường hợp vi phạm về môi trường, xử phạt với số tiền hơn 628 triệu đồng.
Tuy nhiên, để biến Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trở thành địa điểm du lịch thì còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp do dự án nạo vét âu thuyền bị kéo dài (đến nay chưa hoàn thành). Tình trạng một bộ phận tiểu thương chưa chấp hành các quy định bảo vệ môi trường như vẫn còn hiện tượng xả rác bừa bãi, để nước thải rơi rớt gây mùi hôi khắp chợ.
Đặc biệt, do có vị trí thuận lợi về giao thông và giao thương nên Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cũng thu hút rất đông tàu các của các tỉnh khác neo trú, do đó tình trạng không đưa rác lên bờ, xả rác bừa bãi vẫn diễn ra khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Trước thực tế trên, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố cần giao Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành việc đấu nối vào tuyến ống thu gom mới để bàn giao cho công ty quản lý, giám sát, đồng thời tiếp tục tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng tuyến ống mới đoạn từ Công ty Danifood về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà.
Tăng cường giám sát, đôn đốc, yêu cầu đơn vị quản lý, thi công các gói thầu nâng cấp, cải tạo cảng cá thực hiện đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, nghiệm thu, bàn giao đúng theo hợp đồng và quy định của pháp luật. Khẩn trương triển khai dự án nạo vét âu thuyền đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu; lắp đặt 1 đến 2 camera chuyên dụng với độ nét cao và phạm vi quan sát rộng đảm bảo thực hiện kết hợp các mục tiêu giám sát xả thải, phòng cháy chữa cháy.
Đồn Biên phòng quận Sơn Trà đề nghị cần có quy định kiểm tra 100% các tàu, chỉ cho xuất bến khi các tàu thực hiện quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường và có giấy xác nhận đổ rác do Ban Quản lý Âu thuyền cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm để nâng cao nhận thức cho người toàn bộ người dân khi đến âu thuyền.
Minh Châu