Ngày Quốc tế về rừng (21/3) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 28/11/2012 và tổ chức đầu tiên vào năm 2013. Từ đó đến nay, sự kiện này được duy trì thường niên với các chủ đề khác nhau theo từng năm.
Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra bảo vệ rừng.
Năm nay, Ngày Quốc tế về rừng có chủ đề: “Rừng và đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Nội dung của thông điệp nhằm nhấn mạnh sự đổi mới sáng tạo có thể giúp con người khôi phục, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững. Bằng đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận và hành động, chúng ta cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn từ môi trường sinh thái hơn, kinh tế phát triển hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho rằng, thông điệp này có thể coi là một cuộc “trở về” để con người nhận thấy tiềm năng của rừng là rất lớn. Vật liệu có nguồn gốc từ rừng đã được các cư dân trên toàn thế giới sử dụng trong suốt quá trình hình thành và tiến hóa của loài người. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ tiếp cận được một phần nhỏ của “kho báu” đó.
Ủy ban Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ qua đã xây dựng các khung phân tích và phương pháp nhằm xác định đúng và đủ tiềm năng và giá trị sử dụng của hệ sinh thái rừng. Bao gồm, giá trị trực tiếp là những nguyên liệu thô và những sản phẩm vật chất được lấy ra từ rừng và sử dụng trực tiếp trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và mua bán của con người như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, vật liệu gene.
Giá trị gián tiếp là giá trị kinh tế của các dịch vụ môi trường và chức năng sinh thái mà rừng tạo ra, như duy trì và điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, kiểm soát xói mòn, hấp thụ và lưu giữ carbon, điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học. Giá trị lựa chọn là những giá trị chưa được biết đến của nguồn gene, các loài động vật hoang dã trong rừng và các chức năng sinh thái rừng khi chúng được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, dược phẩm, nông nghiệp trong tương lai.
Giá trị để lại là những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp mà các thế hệ sau có cơ hội được sử dụng.
Giá trị tồn tại là giá trị nội tại đi kèm với sự tồn tại của các loài trong rừng và hệ sinh thái rừng mà không kể đến việc sử dụng trực tiếp như ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, di sản, kế thừa,…
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ cho phép con người khai thác các giá trị từ tự nhiên một cách hiệu quả hơn, khôn khéo hơn để thay thế bền vững cho vật liệu nhựa, vật liệu xây dựng, vải, thuốc và nhiều giá trị khác. Điều này cũng phù hợp với quan điểm và định hướng của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian tới về việc đổi mới trong quan điểm, nhận thức và hành động, để phát huy và khai thác đa giá trị của rừng. Những nội dung này đã được cụ thể hóa tại Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024.
Thông điệp của ngày Quốc tế về rừng năm nay cũng nhấn mạnh đến việc cần khôi phục, phát triển, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững, dựa vào các thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, như công nghệ vệ tinh, máy bay không người lái, công nghệ về sinh học, giống cây trồng, hay công nghệ về vật liệu,…
Vũ Thành