Phú Yên: Công viên địa chất toàn cầu mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường

Cập nhật: 21/03/2024
Với nhiều lợi ích mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, Phú Yên đang triển khai đồng bộ việc xây dựng, lập hồ sơ hướng đến thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Điều này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) sẽ là trung tâm trong không gian công viên địa chất toàn cầu, trung tâm không gian du lịch tỉnh Phú Yên. Ảnh: Trần Quới

Trong chương trình làm việc với Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và đoàn công tác của Bộ mới đây tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT tạo điều kiện để Phú Yên sớm hình thành công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO.

Phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường

Phát biểu với Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và đoàn công tác của Bộ, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là phát triển kinh tế bền vững, gắn với quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất cao và ủng hộ mạnh mẽ quan điểm phát triển của tỉnh Phú Yên. Theo Bộ trưởng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng thu hẹp, vì vậy quản lý tốt tài nguyên, bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết, cấp bách và lâu dài.

Một trong những giải pháp, việc làm cụ thể của Phú Yên trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế - xã hội là tập trung xây dựng Đề án CVĐC tỉnh Phú Yên hướng đến danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO.

CVĐC sẽ bao gồm 3 giá trị khoa học chính, đó là giá trị di sản địa chất, giá trị di sản văn hóa lịch sử và giá trị đa dạng sinh học.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo khẳng định, qua khảo sát và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, Phú Yên hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí CVĐC toàn cầu. Một trong những kết quả cụ thể là mới đây, Bộ KH&CN đã nghiệm thu đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên”, do TS Nguyễn Văn Toàn làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu quy hoạch nông nghiệp, nông thôn cùng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là cơ quan chủ trì. Đây là cơ sở khoa học để Phú Yên tiến đến thành lập CVĐC và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu.

Năm 2019, ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO làm trưởng đoàn cùng các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học địa học chất và khoáng sản Việt Nam, Bảo tàng Địa chất tiến hành khảo sát sơ bộ đã đánh giá rất cao các giá trị di tích về địa chất độc đáo, đặc điểm địa chất nổi bật, hệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, sự đa dạng sinh học và các loại hình sinh thái... rất phù hợp để thành lập CVĐC. Nhận định này hoàn toàn trùng khớp với kết quả đề tài khoa học cấp quốc gia gần đây được nghiệm thu.

Danh thắng Gành Đá Đĩa sẽ là trung tâm trong không gian của công viên địa chất, trung tâm không gian du lịch tỉnh Phú Yên. Ảnh: Trần Quới

Sớm hình thành công viên địa chất toàn cầu

Theo ông Guy Martini, CVĐC được mô tả là các khu vực địa lý thống nhất, đơn nhất với các cảnh quan, địa điểm có ý nghĩa đối với địa chất quốc tế được quản lý một cách phù hợp, bảo vệ toàn diện dựa trên nền tảng giáo dục và phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu chính, ngoài việc hỗ trợ khu vực bên trong và bao quanh, CVĐC mang lại cảm giác về sức mạnh và niềm tự hào của cộng đồng địa phương, giúp củng cố bản sắc, tạo ra việc làm, tăng doanh thu thông qua du lịch.

Việc thành lập CVĐC là phù hợp và được đưa vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh tổ chức công bố. Thành lập CVĐC Phú Yên, hướng tới danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO nhằm xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trụ cột quan trọng, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, cả nước có 3 CVĐC được UNESCO vinh danh nằm trong mạng lưới 195 CVĐC toàn cầu thuộc 48 quốc gia, là CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, CVĐC Non nước - Cao Bằng và CVĐC toàn cầu Đắk Nông.

Thực tế cho thấy, các khu vực sau khi được công nhận là CVĐC toàn cầu đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển du lịch, gia tăng nguồn thu, cải thiện thu nhập, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển bền vững di sản địa chất và di sản khác tại các địa phương có danh hiệu.

“Ngoài 3 CVĐC nói trên còn nhiều khu vực có tiềm năng thành lập CVĐC quốc gia, hướng tới thành lập CVĐC toàn cầu UNESCO, trong đó có Phú Yên”, TS Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

Đối với Phú Yên, CVĐC trải rộng trên địa bàn TP Tuy Hòa, các thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, trọng tâm là khu vực gành Đá Đĩa (huyện Tuy An).

Thêm một thuận lợi nữa là tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1570/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89ha. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của danh thắng Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phát huy giá trị danh thắng Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực...

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên nói: Tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng sinh học, đặc điểm địa chất độc đáo là những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình bền vững dựa trên danh hiệu CVĐC toàn cầu. Chúng tôi rất mong muốn CVĐC toàn cầu tại Phú Yên sớm được thành lập và được UNESCO công nhận để góp phần quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh bền vững, bảo vệ môi trường và phát huy giá trị độc đáo, riêng có. Hướng đến mục tiêu phát triển Phú Yên thành trung tâm du lịch của khu vực và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phú Yên rất giàu tiềm năng, phong phú, đa dạng từ biển đảo, đến rừng núi, khoáng sản… Tỉnh cần quản lý tài nguyên một cách khoa học, chặt chẽ, phát huy giá trị, đặc biệt là lợi thế phát triển du lịch bền vững gắn với bản sắc văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó có việc thành lập CVĐC tỉnh hướng đến CVĐC toàn cầu UNESCO - Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh

Trần Quới

Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 21/03/2024