Sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như gia tăng dân số khiến nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng, trong khi đó phần lớn các hệ thống sông lớn ở nước ta là sông xuyên biên giới. Do vậy, để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong hợp tác quốc tế để cùng nhau giải quyết những thách thức về suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước trong khu vực và tại mỗi quốc gia.
Sông Lam (sông Cả) bắt nguồn từ Lào, chảy qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh rồi đổ ra Biển Ðông. (Ảnh Quang Dũng)
Việt Nam có 3.450 sông, suối, với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 405 sông, suối liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối, nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa (từ 3-5 tháng), còn vào mùa khô (từ 7-9 tháng) chỉ chiếm từ 20-30% lượng dòng chảy năm. Mặt khác, dòng chảy hằng năm phân bố không đều chủ yếu trên lưu vực sông Cửu Long (khoảng 56%), lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các lưu vực sông khác.
Các hệ thống sông lớn của Việt Nam phần lớn là sông xuyên biên giới, lượng nước từ bên ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng gần 60% tổng lượng nước trung bình hằng năm của toàn quốc. Ðối với nguồn nước ngầm, tổng lượng tiềm năng dưới đất trên toàn lãnh thổ khoảng 91 tỷ mét khối mỗi năm (nước ngọt khoảng 69 tỷ mét khối mỗi năm, nước mặn khoảng 22 tỷ mét khối mỗi năm), trữ lượng nước ngọt có thể khai thác khoảng 22 tỷ mét khối mỗi năm, trong đó, tập trung chủ yếu ở các khu vực Ðồng bằng Bắc Bộ, Ðồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
Các sông lớn ở Việt Nam phân bố trải dài dọc biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thuộc địa bàn 25 tỉnh, thành phố nhưng đều là các sông có liên quan đến nước ngoài. Ðể bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thời gian qua Việt Nam luôn quan tâm đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước xuyên quốc gia và vấn đề hợp tác với các quốc gia có cùng nguồn nước.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (ký năm 1995) giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan.
Hiệp định này được coi là một hiệp định hợp tác lưu vực sông tiến bộ trên thế giới, với những điều khoản cụ thể về các quy định liên quan đến khai thác sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, tổ chức thực hiện, trách nhiệm, quyền lợi của các bên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cho đến nay, đây vẫn là cơ chế quản lý chặt chẽ nhất và tiếp tục duy trì để bảo đảm các mục tiêu phát triển và bảo vệ lưu vực của các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cũng đã tham gia cơ chế Hợp tác Mê Công-Lan Thương (gồm 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Trung Quốc được triển khai từ năm 2016) với nguyên tắc và mục tiêu là “đồng thuận, cởi mở, toàn diện, phối hợp tổng thể, đem lại lợi ích cho các bên”. Sự phối hợp giữa Hợp tác Mê Công-Lan Thương và Ủy hội Mê Công quốc tế sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và đáp ứng tốt nhu cầu của các nước về chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp.
Ðây là cơ chế hợp tác đầu tiên về tiểu vùng Mê Công mà Trung Quốc chủ động đưa nội dung hợp tác quản lý nguồn nước sông Mê Công. Nếu được triển khai tốt, cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương có thể tái tạo kênh đối thoại mới với Trung Quốc và các nước có sông Mê Công khác về vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, thúc đẩy các nước thượng nguồn chia sẻ thông tin, công khai hóa các dự án phát triển trên sông…
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng như: Diễn đàn nước quốc tế tại Pháp; Hội nghị hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Nam Phi; hợp tác chặt chẽ với phía Hà Lan trong khuôn khổ của Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước…
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số thì nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất và dân sinh ở nước ta ngày càng tăng. Dự báo, đến năm 2030 nhu cầu về nước cho các mục đích kinh tế - xã hội và dân sinh sẽ khoảng 122 tỷ mét khối mỗi năm (tăng 1,5 lần so với hiện nay). Ðáng lo ngại, tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, khan hiếm nước đang diễn ra ở nhiều nơi, trong khi đó vấn đề xâm nhập mặn diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển với mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là Ðồng bằng sông Cửu Long.
Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2024, được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, thì khi đó tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa những cộng đồng và các quốc gia - Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2024 và tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các đơn vị trực thuộc tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Mặt khác, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông.
Ðồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ công bằng và hợp lý các nguồn nước liên quốc gia; tăng cường nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm xây dựng các biện pháp, giải pháp phù hợp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, trong đó ưu tiên đối với các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Các chuyên gia lĩnh vực tài nguyên nước cũng cho rằng, cùng với việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia có chung nguồn sông Mê Công, sông Hồng, Việt Nam cần chủ động tham gia tăng cường hợp tác với các quốc gia là thành viên ASEAN, các quốc gia mà Việt Nam tham gia công ước và các quốc gia khác để tăng sự quan tâm của quốc tế trong giải quyết các thách thức phát triển mà khu vực Mê Công đang phải đối mặt và tranh thủ hỗ trợ về nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, nguồn kinh phí tài trợ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trong những thập kỷ tới.
Khánh Huy