Nỗ lực của cả hai phía công - tư đang tạo ra nhiều tín hiệu tích cực cho việc đưa Quảng Nam trở thành “đất lành” của đa dạng sinh học.
Động vật hoang dã thích ứng, sinh trưởng tốt ở vườn thú Safari, Vinwonders Nam Hội An. Ảnh: Q.T
Dấu ấn từ vườn thú Safari
Vườn thú Safari, Vinwonders Nam Hội An (huyện Thăng Bình) hiện là công viên động vật bán hoang dã quy mô lớn nhất ở khu vực Trung Bộ. Bên cạnh là một điểm đến hấp dẫn với du khách, nơi đây đang thực hiện rất hiệu quả vai trò của một trung tâm hỗ trợ chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã.
Được biết, quy trình cứu hộ của đơn vị này thời gian qua luôn được tuân thủ bài bản theo các bước tiếp nhận, xử lý sơ bộ; thực hiện cứu hộ tại chỗ; quản lý, chăm sóc và cuối cùng theo dõi khả năng phục hồi.
Sự “mát tay” của vườn thú Safari ở Vinwonders Nam Hội An thể hiện qua việc chỉ trong thời gian ngắn đơn vị này đã hỗ trợ cứu hộ, chăm sóc hơn 1,5 nghìn cá thể động vật hoang dã từ phía cơ quan chức năng chuyển giao.
Bà Trần Thị Ngọc Giàu - Tổng Quản lý Vinwonders Nam Hội An thông tin, nhiều cá thể động vật hoang dã khi được tiếp nhận trong tình trạng sức khỏe rất kém hoặc chỉ là con non nhưng sau thời gian chăm sóc đã thích nghi tốt với môi trường ở River Safari.
Một cá thể vượn Pile vừa mới sinh con non ở vườn thú Safari. Ảnh: Q.T
Thời gian tới, vườn thú Safari có kế hoạch nâng cấp hạ tầng, nhất là mở rộng thêm diện tích khu cứu hộ để thực hiện việc cứu hộ, bảo tồn phục vụ giáo dục thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt chú trọng các loài nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu của Quảng Nam.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp với vườn thú Safari, nghiên cứu cơ sở dữ liệu quy trình cứu hộ, chăm sóc gây nuôi các loài động vật hoang dã, các quy trình kinh tế - kỹ thuật các loài động vật có phân bố trên địa bàn tỉnh và khu vực làm căn cứ, cơ sở để áp dụng thực hiện, góp phần phát triển loài và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thiết lập nền tảng bảo tồn
Môi trường thiên nhiên được bảo tồn, phục hồi tốt là giải pháp bền vững để động vật hoang dã tồn tại.
Theo báo cáo của Vườn quốc gia Sông Thanh, thời gian qua đơn vị đã trồng mới được 500ha rừng chủ yếu là cây bản địa lim, giổi, lát hoa hiện đã vào năm thứ 10. Còn ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đã trồng được hơn 30ha cây bồ kết.
Qua đánh giá, quần thể trên đang sinh trưởng tốt, sau 5 năm đã ra hoa, có quả, quả rụng xuống có mức độ tái sinh tốt. Theo nhận định của ban quản lý đơn vị, hy vọng trong thời gian tới rừng bồ kết này sẽ là hàng rào xanh, mềm để ngăn cách hữu hiệu việc đàn voi quấy phá khu sản xuất của người dân.
Vườn quốc gia Sông Thanh đề xuất quy hoạch một trung tâm cứu hộ động thực vật hoang dã trong tương lai. Ảnh: Q.T
Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT, hiện Bộ TN&MT đã ghi nhận đưa vào quy hoạch đa dạng sinh học của Chính phủ về việc quy hoạch Khu bảo tồn Sông Thanh thành trung tâm cứu hộ động thực vật hoang dã cấp tỉnh và có thể là cả khu vực trong tương lai.
Trước mắt nếu chưa triển khai với động vật hoang dã, đơn vị có thể nghiên cứu bảo tồn các loài thực vật quý hiếm đặc hữu, còn sau này khi có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng với động vật hoang dã.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trước mắt Vườn quốc gia Sông Thanh có thể nghiên cứu phương án thiết lập khu chuyển tiếp để làm môi trường huấn luyện, thích nghi cho các cá thể động vật hoang dã được cứu hộ tại vườn thú Safari, Vinwonders Nam Hội An chuyển đến sinh sống một thời gian trước khi thả hẳn về tự nhiên.
“Tỉnh sẽ làm việc để thúc đẩy phương án này, qua đó giúp Vườn quốc gia Sông Thanh từng bước hoàn thiện các điều kiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Vinwonders Nam Hội An trước khi có tính toán quy mô hơn về trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong tương lai không xa” - ông Lê Trí Thanh nói.
Quốc Tuấn