Nghe tiếng núi rừng trong dòng thác nước ở Quảng Nam

Cập nhật: 26/03/2024
Ở Nam Trà My (Quảng Nam), mỗi cung đường men theo các triền núi, hay băng qua thung lũng mờ sương, đều dễ dàng bắt gặp các thác nước đang tuôn trào thành dải trắng xóa.

Thác Lây Sắc - điểm đến mới tại Nam Trà My. Ảnh: Thiện Tùng

Tiếng thác đổ đôi khi khiến lũ chim rừng giật mình bay vù lên. Những thác nước đẹp trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với đại ngàn.

Thác trong rừng già

Một tuyến đường liên thôn vừa được mở vào các làng Lấp Loa, Măng Ổi của xã Trà Tập. Theo cung đường, sẽ nhìn thấy thoáng ẩn hiện dòng thác Lây Sắc, giữa trập trùng mây sau rặng rừng già. Thấy đó, nhưng không dễ để đến.

Chúng tôi đi ô tô từ UBND xã Trà Tập. Đến đầu đường đất đỏ lại chuyển sang xe máy. Đường mới mở xong, mùi đất đỏ xộc vào hơi thở. Có những đoạn dốc khúc khuỷu, quanh co bất thường. Người cầm lái phải thật chắc tay, để tránh rơi xuống vực. Khoảng 15 phút đường xe từ trung tâm xã, tiếp một đoạn qua những phiến đá lớn, gồ ghề, là đến nơi.

Sâu thẳm trong dãy Ngọc Thiên cao vút, dòng suối Nước Choong cuộn mình, uốn lượn qua từng hốc đá. Từ những mạch ngầm đang im ắng, dòng nước bỗng chốc trở mình, tuôn trào tại nơi giao thoa giữa đá cao và vực thẳm, tạo nên thác Lây Sắc ngày nay.

Sinh ra từ dòng nước chảy mạnh, được “nhào nặn” bởi địa hình vực dốc đặc trưng, Lây Sắc mang dáng dấp của những thác ghềnh trên đại ngàn Trường Sơn. Cả những người khó tính nhất, tôi tin cũng sẽ bị vẻ đẹp hùng vĩ của dòng thác hoang sơ này chinh phục.

Thác Lây Sắc gồm 2 dòng lớn, ngăn cách nhau bởi một khối đá hình đầu rùa. Từ chân thác lên đến đỉnh, cách nhau khoảng 30m mỗi dòng. Thác “Nam” tuôn chảy một dòng, nước từ trên cao dội thẳng, ầm ầm vào mặt hồ xanh biếc bên dưới.

Thác “Nữ” lại có phần dịu dàng, chia thành 2 tầng. Dòng nước men theo triền đá, xuống hết tầng thứ nhất, chạm đến tầng thứ hai rồi hòa vào hạ lưu suối Nước Choong. Đây cũng là dòng thác đôi duy nhất ở Nam Trà My được tìm thấy.

Du lịch thác nước

Dọc con đường rừng dẫn lên Nam Trà My, du khách sẽ gặp rất nhiều thác nước rì rào quanh năm. Nhiều người miền xuôi mới biết đến thác 5 tầng - dòng thác cao hàng trăm mét được kiến tạo trên 5 bậc đá. Địa điểm này trở thành nơi vui chơi, hẹn hò của cư dân bản địa lẫn du khách.

Thác Lây Sắc mới được khám phá trong sự ngỡ ngàng của người dân xứ núi. Bởi khi chưa có đường mở ngang qua đây, khu vực suối Lây Sắc khá hẻo lánh, ngược lối đường mòn của người dân bên kia làng. Và nguồn gốc cái tên vẫn có nhiều tranh cãi của người làng.

Có người cho rằng, cái tên Lây Sắc bắt nguồn từ việc trên khu vực mỏm đá hình đầu rùa ấy, có rất nhiều hang chuột. Mỗi hang như vậy thường sâu đến vài mét. Đất ẩm, nhiều thức ăn, loài chuột lại ưa bơi lội, nên đây là nơi cư ngụ lý tưởng của chúng.

Trong mênh mông khoáng đạt của rừng, mặt trời rọi nắng xuyên qua thác nước, tạo thành những sắc cầu vồng rực rỡ. Bên dưới hai hố nước sâu, cư dân thỏa thích tắm mát. Vài người bơi giỏi, lặn ngụp bắt cá niên, rồi mang lên tảng đá đối diện hai dòng thác để nướng.

Mùi cá thơm lừng, hòa lẫn hương thơm ngây ngất của rượu lúa rẫy, tỏa ra vùng thung lũng Lấp Loa. Bao mệt mỏi suốt chặng đường phút chốc tan biến.

Những ngày cuối tuần, nhiều du khách từ Tăk Pỏ đi thành từng nhóm lên thác Lây Sắc để tránh nắng. Thác đẹp, lại tương đối gần, nên đây là lựa chọn hàng đầu cho những chuyến giải nhiệt sau một tuần làm việc.

Trong gió núi se lạnh, sau một ngày dạo chơi ở Lây Sắc, những tiếng vít xe đưa người vượt dốc về lại Tăk Pỏ. Tiếng cười nói khúc khích vẫn còn say sưa theo ánh trăng dẫn lối. Để lại sau lưng là thanh âm rì rầm của ngọn thác trong đêm.

Thiện Tùng

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 24/03/2024