Thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), đỉnh Sa Mu (hay còn gọi U Bò) trở thành điểm leo núi yêu thích gần đây đối với “dân phượt” và những người ưa khám phá. Mới được cắm chóp đánh dấu độ cao cuối năm 2022, đỉnh Sa Mu không chỉ lý tưởng để săn mây mà hành trình băng rừng nguyên sinh là trải nghiệm hấp dẫn xen lẫn nhiều bất ngờ.
Khách du lịch trải nghiệm xuyên rừng Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Báo Sơn La
Cách Hà Nội gần 250km, nằm ở ranh giới hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, đỉnh Sa Mu có độ cao 2.756m so với mực nước biển, nơi cứ vào độ tháng 3, tháng 4, hoa đỗ quyên tím rực tràn ngập các triền núi đầy nắng và gió. Đây cũng là thời gian lý tưởng để thiên đường mây Tà Xùa hút khách du lịch chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đón bình minh, ngắm hoàng hôn và sao đêm, thậm chí săn dải ngân hà.
Để chinh phục đỉnh Sa Mu, du khách có thể chọn hướng xuất phát từ chân núi thuộc xã Xím Vàng hoặc bắt đầu từ bản Chống Tra, xã Háng Đồng của huyện Bắc Yên. Chọn hướng đi từ bản Chống Tra, trên những chiếc xe máy, do thanh niên người bản địa điều khiển, chúng tôi vượt qua con đường độc đạo, chênh vênh đến bìa rừng và bắt đầu hành trình đi bộ vượt dốc, xuyên rừng, leo núi.
Góc nhìn từ trên đỉnh U Bò - Ảnh: Báo Sơn La
Trải dài dần theo độ cao 2.600m lên tới đỉnh, bước chân của chúng tôi tiến dần vào khu rừng nguyên sinh. Càng đi sâu, đường đi càng khó, bầu trời càng thu hẹp lại, khoảng xanh vời vợi dần thay thế bằng những tán cây già rộng lớn tầng thấp, tầng cao đan nhau che phủ. Quang cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ với thảm rêu mềm mại miên man theo lối đi, phủ vàng từ dưới đất lên các thân cây cổ thụ, đại thụ ba bốn người ôm, rễ chằng chịt, hình dáng độc đáo, kỳ quái. Những cây chè cổ thụ vài trăm năm tuổi, thân cây xù xì, địa y phủ kín đang bật ra những búp chè xanh non. Những tảng đá cũng biến hình thành những cây rêu dày đặc với hình dáng phong phú. Thảm thực vật xanh mướt với nhiều loại dị thảo, hoa dại, dương xỉ. Độ hoang sơ, kỳ bí trong khu rừng tăng dần theo độ cao của hành trình leo núi. Vạt rừng xanh thẫm, lúc lại ngả vàng bởi những vạt phong non, hoa tớ dày điểm xuyết, hoa sơn tra trắng muốt.
Lững thững dạo bộ dưới những tán cây trong sự ngỡ ngàng, tôi ngồi xuống cạnh các gốc cây già, nhắm mắt lại, thấy mình bé lại, lọt thỏm trong rừng già, cảm nhận không khí mát lạnh, trong lành bao quanh, ánh nắng mặt trời xuyên qua những tán lá, những âm thanh của rừng lúc xa lúc gần, tiếng chim hót rít rít, tán cây xào xạc đôi khi lại rơi vào một khoảng không gian tĩnh lặng như tuyệt đối. Thời tiết trong rừng lúc nắng, lúc mưa, lúc sương mây dày đặc cùng gió ào xuống rất nhanh, lúc nắng xuyên qua tán lá vừa thơ mộng vừa ma mị.
Một gốc đỗ quyên cổ thụ - Ảnh: Báo Sơn La
Chuyến đi bộ đường dài trở thành cuộc thư giãn, tắm rừng gột rửa mỏi mệt và nạp năng lượng cho tinh thần và thể chất. Cung đường dài lúc bằng phẳng, lúc lên dốc cao, lúc chùn chân xuống đèo, lúc dò dẫm, bó gối, lúc phóng khoáng lao nhanh trên những đoạn bằng phẳng, tuy độ dốc không quá gắt nhưng để chạm tay vào chóp, chụp những bức ảnh đẹp check-in, mồ hôi vã ra, lấm tấm trên trán, trên tóc những khách bộ hành.
Sau khoảng 5 km băng rừng, chúng tôi nghỉ chân tại một thảm cỏ bằng phẳng, dùng bữa trưa trước khi tiếp tục hành trình chạm đỉnh. Tiếng chim lích chích chuyền cành, tiếng côn trùng lan trong không gian. Gió mơn man, nhè nhẹ. Người bạn đồng hành, dẫn đường cho nhóm chúng tôi chinh phục đỉnh Sa Mu là Mùa A Tánh, người H’Mông bản địa thông thạo địa hình. Vốn làm ruộng cùng gia đình, ngày nhỏ chăn trâu bò ăn cỏ trong rừng nguyên sinh nên Tánh quen thuộc từng đoạn cua, khúc rẽ trong rừng.
Du lịch mở ra cơ hội cho Tánh tiếp cận công việc mới, dẫn khách tham quan các điểm trong bản. Nhanh nhẹn trải bạt, đốt củi, nướng gà, đun nước, Tánh chuẩn bị bữa trưa cho đoàn chúng tôi. Bữa ăn nhẹ nhàng, ấm bụng với xôi nương, gà bản nướng, khoai lang và trứng luộc… cũng là dịp Tánh chia sẻ với chúng tôi về vẻ đẹp vùng đất anh được sinh ra và lớn lên: Thời điểm thích hợp để khám phá cung xuyên rừng là từ tháng 12 đến tháng 3, tháng 4. Tầm này hoa đỗ quyên đang nở rực rỡ, đến tầm tháng 9, tháng 10, cả cánh rừng được nhuộm đỏ bởi các tán lá phong.
Lý tưởng nhất để trải nghiệm cung đường này là trong hai ngày một đêm, tuy nhiên nhiều du khách eo hẹp về thời gian, nên có đoàn đi về trong ngày, xuất phát từ sáng sớm và tối muộn quay trở lại. Hành trình leo núi không quá khó nhưng do đây là cung mới, chưa cắm biển chỉ dẫn đường đi nên chỉ cần lơ đễnh, hoặc thiếu kinh nghiệm đi rừng, người leo núi có thể lạc sang cánh rừng khác.
Dẫn đường cho du khách không chỉ giúp Tánh tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn giúp anh và các thanh niên bản địa học thêm các kỹ năng giao tiếp, chụp ảnh, quay clip, xây dựng các nội dung số trên Facebook, TikTok quảng bá các điểm đến như bản Làng Sáng, thác Háng Đồng của xã mình.
Chị Nguyễn Bích Vân, một khách du lịch đến từ Hà Nội đã từng có nhiều chuyến du lịch leo núi hào hứng cho biết: So với các đỉnh như Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), Nhìu Cồ San (Lào Cai), đỉnh Sa Mu không quá cao và khó leo, độ khó khoảng 6/10 rất phù hợp những người lần đầu leo núi. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của cung đi bộ đường dài này là hành trình xuyên rừng, chúng tôi ai nấy đều choáng ngợp trước phong cảnh rừng rêu quá hoang sơ và nguyên sinh. Khung cảnh thần bí của khu rừng có thể trở thành bối cảnh để các đoàn làm phim thiết kế các cảnh quay.
Hiện tại, rừng đặc dụng Tà Xùa rất sạch sẽ, hoang sơ bởi chưa có sự tác động nhiều của con người, của ngành du lịch công nghiệp. Những chuyến trải nghiệm đi bộ leo núi hiện nay hoàn toàn do cá nhân tự túc. Với tiềm năng, lợi thế vừa phát triển kinh tế du lịch, vừa tạo sinh kế cho đồng bào, chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp toàn diện để cung đường khám phá đỉnh Sa Mu vừa là hành trình hấp dẫn, vừa bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương bền vững.
Bài và ảnh: Ngọc Liên