Với nhiều đổi mới trong trưng bày, đa dạng hoạt động trải nghiệm, cách thức khám phá hấp dẫn, đặc biệt hướng đến xây dựng điểm “Du lịch xanh”, các bảo tàng chuyên đề ở Thành phố Hội An ngày càng phát huy được giá trị, trở thành điểm đến được nhiều du khách và người dân yêu thích.
Các hoạt động như “Phiên chợ xưa”, “Hương vị Tết xưa” ở Bảo tàng Văn hóa dân gian luôn chú trọng đến vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa
Xây dựng các bảo tàng chuyên đề, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào hoạt động này để tạo thêm điểm tham quan có chất lượng tại Khu phố cổ Hội An là hướng đi mà Hội An hướng đến thời gian qua. Đặc biệt, hiện nay Thành phố và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Trung tâm QLBTDSVH Hội An) đang chú trọng xây dựng điểm “Du lịch xanh” tại các bảo tàng.
Cuối năm 2023, Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An đã đạt Chứng nhận “Du lịch xanh” theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam, 3/3 Lá sâm Ngọc Linh dành cho hạng mục “Điểm tham quan”. Đây là động lực để Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt phát triển “Du lịch xanh” ở các bảo tàng, di tích còn lại để được thẩm định và công nhận “Điểm đến xanh” trong thời gian tới.
Xây dựng “Điểm đến xanh” tại bảo tàng
Việc xây dựng “Điểm đến xanh” tại các bảo tàng, di tích ở Hội An đã góp phần quan trọng cho sự phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng theo hướng bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử gắn với cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng.
Trong khu vực Phố cổ Hội An đã có các bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An… Vào mùa du lịch, các bảo tàng đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế tham quan mỗi ngày.
Gần đây nhất, Thành phố cũng đã chọn ngôi nhà cổ số 57 Trần Phú làm Bảo tàng chuyên đề “Con đường hương liệu, dược liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam”, kết nối một cách hiệu quả với Bảo tàng Nghề y, Bảo tàng Văn hóa Dân gian cùng nằm trên đường Nguyễn Thái Học, tạo ra một lộ trình tham quan liên hoàn của hệ thống bảo tàng chuyên đề trên các trục đường trong Khu phố cổ, phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa các bảo tàng, di tích trong phố.
Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng phòng Bảo tàng thuộc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, thời gian qua, các bảo tàng chuyên đề đã có nhiều đổi mới trong cách thức trưng bày, giới thiệu như: Kết hợp trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời, từ tĩnh sang động; kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với tương tác, trải nghiệm… Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, phù hợp với mọi đối tượng, tăng tính tương tác với công chúng. Những nỗ lực ấy đã góp phần kết nối, phát huy giá trị của hệ thống bảo tàng chuyên đề, thu hút đông đảo công chúng, du khách đến tham quan, khám phá các thiết chế văn hóa ở Hội An.
Đơn vị cũng chú trọng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề thuyết trình; các hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan, như: Trang trí mặt nạ giấy, quạt mo, nón lá, lọ gốm và gấp hoa đăng tại Bảo tàng Nghề y nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; Vui Tết Trung thu; trình diễn và triển lãm ảnh Múa thiên cẩu; các hoạt động Phiên chợ xưa, Bác nông dân vui tính tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian; trải nghiệm vẽ hoa văn gốm sứ Hizen tại bảo tàng Gốm sứ mậu dịch…
Chú trọng công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, lập hồ sơ hiện vật; sưu tầm, trưng bày, giới thiệu các sinh hoạt văn hóa, công cụ sản xuất, kỹ thuật chế tác, khả năng diễn xuất, ứng tác về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phù hợp với từng bảo tàng để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá rộng rãi về truyền thống văn hóa địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, du lịch trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng địa điểm “Du lịch xanh” tại các bảo tàng và di tích. Đến nay đã xây dựng hồ sơ đăng ký; thực hiện các tiêu chí về “Du lịch xanh” đạt 70%; xây dựng mẫu và phát hành Phiếu điều tra cảm nhận nhu cầu của khách tham quan; triển khai thực hiện thiết kế maket về các bảng cảnh báo nguy hiểm bậc cầu thang, bảng hướng dẫn bảo vệ môi trường, phân loại rác; lắp đặt bảng quy định phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm nước. Nỗ lực hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện về quản lý môi trường, điện năng, nước, nước thải, chất thải, không khí, ô nhiễm tiếng ồn, sự hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ kinh tế địa phương, an ninh và an toàn, nguồn nhân lực… theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh của Quảng Nam.
Du khách trải nghiệm vẽ hoa văn gốm sứ Hizen tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch…
Chú trọng hoạt động giáo dục
Từ năm 2013 đến nay, hoạt động "Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng", đề án Giáo dục di sản trong học đường do Trung tâm QLBTDSVH Hội An phối hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo Thành phố tổ chức được duy trì, luôn thay đổi nội dung và hình thức để các em có thêm nhiều trải nghiệm mới đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Hội An. Bên cạnh hoạt động tham quan trực tiếp, đơn vị cũng đa dạng hóa hoạt động này bằng phương pháp trực tuyến livestream Một giờ tham quan bảo tàng, trưng bày online… tạo điều kiện cho công chúng ở bất cứ đâu cũng có thể chủ động tương tác, trao đổi, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa Hội An thông qua hiện vật tại Bảo tàng; tổ chức cuộc thi "Bảo tàng trong tim và trong tay chúng em" và "Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng" tại 21/21 trường với 7.639 học sinh tham gia.
Với việc hướng đến xây dựng “Điểm đến xanh”, thời gian qua, các hoạt động giáo dục di sản, trải nghiệm tổ chức tại các bảo tàng cho các em học sinh cũng như nhân dân, du khách đều chú trọng đến sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa một lần… Bên cạnh đó, các hoạt động này cũng góp phần chuyển tải đến thế hệ trẻ thông điệp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, trong năm vừa qua, lượt khách tham quan đến các điểm bảo tàng, di tích trong Khu phố cổ Hội An do đơn vị này quản lý đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, số lượng khách đạt hơn 911.000 lượt, trong đó hơn 823.000 lượt khách quốc tế. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động “Kết nối di sản với cộng đồng”, tổ chức 22 đoàn với 1.005 lượt khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm bảo tàng, di tích; trưng bày online, gắn mã QR cho 24 di tích Địa chỉ đỏ ở Hội An.
Bài: Khánh Chi - Ảnh: BTHA