Các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu giá trị và hấp dẫn. Đánh thức giá trị của di sản để phát triển một cách bền vững tạo động lực để du lịch xứ Thanh cất cánh.
Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái là sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của thành phố Sầm Sơn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019
Sầm Sơn được biết đến là vùng đất có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời, một trong những trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, không chỉ nổi tiếng với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, mà còn có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể đồ sộ, phong phú. Đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng để đưa các di sản ở Sầm Sơn trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.
Với 39 di tích văn hóa tâm linh, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt và 30 di tích cấp tỉnh, phân bố tập trung chủ yếu ở khu du lịch, mỗi điểm lại gắn với một sự tích, một câu chuyện huyền thoại, khiến cho Sầm Sơn không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp của thiên nhiên biển cả mà còn được nhiều người biết đến bởi bề dày lịch sử và sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần. Đến với thành phố biển, ghé thăm các địa danh nổi tiếng như: Hòn Trống Mái, đền Độc Cước, đền Cô Tiên…, du khách như lạc vào không gian hư hư thực thực, được sống giữa hiện tại và quá khứ xa xôi, hòa mình vào thiên nhiên biển trời rộng mở và không gian văn hóa trầm mặc.
Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước - mở đầu mùa du lịch Sầm Sơn
Trong những năm qua, việc phát huy giá trị di sản phi vật thể gắn với phát triển du lịch luôn được Sầm Sơn chú trọng quan tâm và duy trì nhằm hướng tới mục tiêu trở thành thành phố của lễ hội, nhiều chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch đã được Sầm Sơn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức. Trong đó, Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái Sầm Sơn đã thu hút sự tham gia của hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là một sản phẩm du lịch mới của thành phố Sầm Sơn, được xây dựng dựa trên không gian, ý nghĩa của câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa son sắt, thủy chung, gắn với danh thắng Hòn Trống Mái. Sản phẩm mới này cũng cho thấy: chủ trương khai thác, phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch của thành phố Sầm Sơn đang ngày càng được quan tâm và hiện thực hóa bằng những bước đi, việc làm cụ thể, mang lại những kết quả thiết thực. Cùng với việc xây dựng sản phẩm mới, thành phố rất quan tâm duy trì, phát huy các lễ hội truyền thống, như Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, Lễ hội Bánh chưng, bánh dày, Lễ hội Cầu ngư...
Bên cạnh việc giữ gìn, khai thác giá trị văn hóa phi vật thể, thành phố Sầm Sơn đã huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, tâm linh, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách không chỉ trong mùa hè, tiêu biểu nhất, phải kể đến đền Độc Cước. Nằm trên đỉnh núi Cổ Giải, thuộc dãy Trường Lệ, Đền gắn liền với truyền thuyết về chàng khổng lồ xẻ đôi thân mình, một nửa ra khơi tiêu diệt loài quỷ quái, một nửa đứng canh trên hòn Cổ Giải, bảo vệ cho dân chài. Đền được xây dựng từ thời nhà Trần, đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống trong kiến trúc, cảnh quan.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ giữ vai trò quan trọng, là nguồn tài nguyên vô hạn cho việc khai thác, phục vụ phát triển du lịch
Cùng với Sầm Sơn, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang xem công tác bảo tồn và phát huy các di sản gắn với phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Như, huyện Thiệu Hóa xác định điểm nhấn du lịch là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề truyền thống. Huyện Bá Thước chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc như nghề dệt, ẩm thực, trò chơi dân gian để phát triển du lịch cộng đồng... Năm 2023, các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh của Thanh Hoá cũng đã tạo được đà tăng tốc mạnh mẽ về lượt khách. Điển hình như: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón được gần 300 nghìn lượt khách; các bản làng du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) đón gần 130 nghìn lượt khách, Thành nhà Hồ đón được gần 250 nghìn lượt khách.
Để di sản văn hóa trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025... Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh cũng quan tâm triển khai công tác kiểm kê di tích, di sản văn hóa; lập danh sách, hồ sơ khoa học các di tích. Bên cạnh đó, tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng đã dành nguồn lực để trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Tính riêng từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 4 khu vực cổng thành của Di sản Thành Nhà Hồ được khai quật; lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo 40 di tích lịch sử - văn hóa. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo; trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguyễn Linh