Sáng 6.4, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức tọa đàm đặc trưng nhà lá mái Bình Định và hướng bảo tồn, phát huy di sản, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (thuộc Hội VHNT tỉnh) và sinh viên Khoa khoa học, xã hội và nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn).
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Ngọc Nhuận
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung tham luận, chia sẻ thêm nhiều góc nhìn, ý kiến để làm rõ giá trị văn hóa của nhà lá mái Bình Định; trong đó tập trung làm rõ nhà lá mái Bình Định mang đặc trưng văn hóa vùng miền, nét văn hóa Việt - Chăm trong ngôi nhà lá mái, vấn đề bảo tồn nhà lá mái hiện nay…
Thông qua những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại tọa đàm, Hội VHNT tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để đề xuất UBND tỉnh tổ chức thêm những tọa đàm, hội thảo khoa học với quy mô mở rộng hơn để làm rõ thêm những giá trị lịch sử, văn hóa mang nét độc đáo của nhà lá mái Bình Định và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.
Những ngôi nhà lá mái hiện còn ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Ảnh: Ngọc Nhuận
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lá mái là một loại hình kiến trúc dân gian mang nét đặc trưng riêng của Bình Định. So với các kiểu nhà cổ dân gian truyền thống ở các địa phương khác, nhà lá mái Bình Định có phần nhỏ hơn nhà rường Huế, nhà cổ Nam bộ; nhà lá mái có đuôi mái nhà thấp, nhiều cột, không gian sinh hoạt trong nhà thiếu ánh sáng nhưng kết cấu khá vững chắc, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và chống cháy tốt.
Nhà lá mái Bình Định là một kiểu nhà vườn nông thôn, đã tồn tại trên dưới 200 năm, nhưng trải qua thăng trầm của thời gian, cộng với nhiều yếu tố, những ngôi nhà lá mái ở Bình Định đã dần mất đi, việc bảo tồn loại hình di sản nhà lá mái Bình Định vẫn chưa được chú trọng. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc làm rõ giá trị nhà lá mái, cũng như bảo tồn nét văn hóa đặc trưng nhà lá mái Bình Định là rất cần thiết và nên sớm triển khai.
Hội VHNT tỉnh bàn giao tủ sách cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.
Dịp này, Hội VHNT tỉnh cũng bàn giao tủ sách với hơn 1.200 đầu sách là những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tiếp tục bảo quản, khai thác, phục vụ bạn đọc.
Ngọc Nhuận