Đến năm 2030, Đông Nam Bộ (ĐNB) sẽ trở thành một trong những vùng phát triển du lịch hàng đầu của Việt Nam với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đó là mục tiêu đề ra trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đạt mục tiêu trên, 6 tỉnh, thành bao gồm: Đồng Nai; Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; Tây Ninh; TP. Hồ Chí Minh và Bình Phước đã liên kết, kiến tạo những sản phẩm du lịch đặc trưng bảo đảm các yếu tố tăng trưởng xanh, bền vững.
Vườn quốc gia Cát Tiên của Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Liên
Năm 2020, lần đầu tiên các tỉnh, thành ĐNB tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch cấp vùng. Sau hơn 3 năm thực hiện liên kết, du lịch vùng ĐNB đã hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, tạo nên sự khác biệt so với những vùng khác.
Những sản phẩm du lịch đặc trưng từ cấp địa phương đến cấp vùng đã góp phần đưa ĐNB trở thành vùng phát triển du lịch lớn của cả nước. Năm 2023, lượng khách du lịch đến ĐNB chiếm trên 54% trong tổng lượng khách du lịch của Việt Nam.
Phát huy những tài nguyên, lợi thế
Vùng ĐNB sở hữu nhiều tài nguyên du lịch như: biển, đảo, rừng, núi, sông, hồ, thác. Bên cạnh đó, ĐNB còn là vùng đất gắn liền với những câu chuyện về thời khai hoang, mở cõi phương Nam; về hào khí đấu tranh anh dũng của người miền Đông; về những thắng cảnh, đình chùa, cơ sở tôn giáo với kiến trúc độc đáo thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.
Để những tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả, phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐNB đã cùng nhau liên kết, tạo ra những sản phẩm du lịch cấp vùng đặc sắc với những giá trị mới, tăng trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, nghỉ dưỡng.
Dự kiến đến năm 2030, ĐNB sẽ đón ít nhất 17 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ ngành du lịch đạt trên 500 ngàn tỷ đồng. Ngành du lịch đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm, trong đó lao động trực tiếp khoảng 440 ngàn người.
Giám đốc Kinh doanh khối du lịch nội địa Công ty TNHH MTV Du lịch, lữ hành Sài Gòn Tourist (Sài Gòn Tourist) Lê Hoàng Sơn cho biết, thời gian qua, Sài Gòn Tourist đã phát triển tour liên tuyến, đơn tuyến với các dòng sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, lịch sử, văn hóa ẩm thực, nghỉ dưỡng, sức khỏe và các dòng lễ hội thể thao tại khu vực ĐNB. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024, Sài Gòn Tourist đã khai thác các tour đưa khách đến các tỉnh trong vùng như: Đồng Nai với các điểm đến Làng bưởi Tân Triều, Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, Vườn quốc gia Cát Tiên; tỉnh Tây Ninh với các điểm tham quan núi bà Đen, di tích Trung ương Cục miền Nam; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các khu resost, nghỉ dưỡng cao cấp tại Long Hải, Hồ Tràm… Bên cạnh đó, Sài Gòn Tourist còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐNB khi khai thác, đưa khách du lịch quốc tế đến và tham gia các tour trải nghiệm tại các tỉnh trong vùng.
Tour du lịch khám phá hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) thu hút khách du lịch thời gian gần đây - Ảnh: Văn Linh
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel (Meerkat Travel) Nguyễn Nho Kiên chia sẻ, Meerkat Travel là một trong những doanh nghiệp có thâm niên khai thác tour khám phá, trải nghiệm được du khách trong nước lẫn quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là xu hướng du lịch đang thu hút du khách rất lớn. Do đó, Meerkat đã đón khá nhiều đoàn khách nước ngoài cũng như khách đến từ Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, để khám phá, trải nghiệm "đặc sản" du lịch sinh thái rừng tại Đồng Nai.
Bắt tay làm du lịch
Năm 2023, vùng ĐNB đón và phục vụ trên 65 triệu lượt khách, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, doanh thu ngành du lịch đạt trên 180 ngàn tỷ đồng, tăng trên 22% so với năm 2022. Kết quả trên cho thấy, du lịch vùng ĐNB đóng vai trò quan trọng, chiếm trên 54% tổng số khách du lịch của cả nước.
Đồ họa thể hiện doanh thu từ du lịch và lượng khách du lịch đến tham quan các địa phương Đông Nam Bộ trong năm 2023. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Hà
Để có được những kết quả trên, trong hơn 3 năm qua, các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đã có nhiều chương trình kết nối để các doanh nghiệp lữ hành, chủ đầu tư các khu du lịch, các điểm đến... gặp gỡ, liên kết tạo thành các tour thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, người dân các nước cùng thắt chặt chi tiêu thì việc vực dậy ngành du lịch rất khó khăn. Thế nhưng, với vị thế “đầu tàu” kinh tế, ngành du lịch ĐNB đã nhanh chóng tận dụng mọi nguồn lực, nhạy bén nắm bắt xu thế mới, tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp để thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá.
Mỗi địa phương đều nỗ lực tìm kiếm, cho ra những sản phẩm du lịch mới mang bản sắc riêng để cùng kết nối, tạo nên những sản phẩm du lịch vừa có tính đặc thù riêng, vừa góp phần nâng tầm khi tham gia chuỗi sản phẩm du lịch cấp vùng. Nhiều sản phẩm đặc trưng của từng địa phương được hình thành có bản sắc, quy mô và tầm cỡ quốc tế.
Cụ thể, năm 2023, các tỉnh, thành vùng ĐNB đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm mới để đưa vào khai thác, kết nối trong các tour, tuyến du lịch trong vùng như: tuyến du lịch đường sắt kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Tour du lịch này giúp du khách khám phá, trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa đến một số điểm của Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Khu du lịch Sơn Tiên (thành phố Biên Hòa) với bãi biển nhân tạo, những trò chơi dưới nước đặc sắc, đem đến trải nghiệm mới mẻ. Tham quan núi Bà Đen (Tây Ninh), trang trại ứng dụng công nghệ cao (Bình Dương), nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao Ixora Hồ Tràm, resort 5 sao Angsana & Dhawa Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, mỗi tỉnh, thành của vùng ĐNB đều có một thế mạnh để khởi đầu cho những bước đi mới theo một thế mạnh riêng. Đó chính là sự khác biệt để ĐNB tạo ra những cơ hội, tận dụng những lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch liên kết đa dạng, phong phú, thu hút du khách. Trên cơ sở những lợi thế riêng, mỗi địa phương sẽ khai thác thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế đêm với những khu phố đi bộ, những điểm vui chơi giải trí về đêm. Mỗi địa phương phải biết hoàn cảnh, điều kiện của mình để quy hoạch, thu hút đầu tư và liên kết để phát triển du lịch.
Ngọc Liên
Liên kết vùng để khai thác ngành công nghiệp không khói - Bài 2: Các điểm nghẽn cản trở phát triển du lịch