Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đầy thách thức, du lịch cộng đồng góp phần kết nối các nguồn lực để phát triển đời sống kinh tế, giúp cho diêm dân Thiềng Liềng có cơ hội đa dạng hoạt động sinh kế.
Tại khoản 15 Điều 3, Luật Du lịch năm 2017 quy định: "Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng cư dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi". Du lịch cộng đồng cũng đồng thời góp phần phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống và góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống và cải thiện sinh kế cho cộng đồng tại chỗ.
Du khách chụp ảnh check-in phía trước cổng vào của một hộ dân làm du lịch trên ấp đảo Thiềng Liềng.
Thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thu hút khách du lịch, nghị quyết 12/NQ-TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, chiến lược phát triển kinh tế biển của Chính phủ và nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu "Đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực", từ năm 2022, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã triển khai khảo sát và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Thiềng Liềng là một ấp đảo chuyên sản xuất muối.
Thiềng Liềng là ấp đảo, có diện tích 12.999ha với rừng ngập mặn Thiềng Liềng là hệ sinh thái tiêu biểu đặc trưng cho các hệ sinh thái ven biển ở khu vực miền Nam Việt Nam. Cư dân tại Thiềng Liềng có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long di dân từ đầu những năm 1970. Người dân sinh sống rải rác, chia thành nhiều cụm dựa trên nền tảng khu vực đất canh tác và sản xuất như: Khu vực trung tâm ấp Thiềng Liềng, Kinh 50, Cán Gáo, Ba Giồng, Lòng Tàu và Khu Nông trường quận Một.
Thiềng Liềng có 226 hộ dân, 761 nhân khẩu. Về cơ cấu kinh tế, chủ yếu là làm muối, gồm 152 hộ diêm dân, chiếm 67% tổng số hộ gia đình. Sự quần cư của người dân làm muối, bảo vệ (giữ) rừng, đánh bắt thủy sản đã tạo nên một hệ sinh thái độc đáo, hiền hòa, yên bình và có sức hút lớn cho những trải nghiệm du lịch cộng đồng.
Cộng đồng cư dân tại Thiềng Liềng đa phần là những di dân từ Đồng bằng sông Cửu Long đến đây lập nghiệp, tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho nơi đây.
Thiềng Liềng có 396ha cánh đồng muối. Mùa muối thường bắt đầu từ mùa gió chướng (khoảng tháng 10 âm lịch, có năm phải đến tháng 12 âm lịch mới bắt đầu xuống giống) và kéo dài tới tháng 4 năm sau. Như vậy, có thể thấy trong một năm, người dân Thiềng Liềng chỉ có thể làm muối trong 6 tháng mùa khô. Ngoài sinh kế làm muối, người dân Thiềng Liềng còn có sinh kế bảo vệ (giữ) rừng và đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
Ngoài làm muối, người dân ấp đảo Thiềng Liềng còn phát triển những sinh kế phụ như bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng đước ngập mặn hay nuôi trồng thủy sản.
Đặc thù của nghề muối là chỉ làm được vào mùa khô, nên các tháng mùa mưa, người dân trở nên nhàn rỗi và họ chuyên tâm nhiều hơn để thực hành du lịch. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nên nhiều khó khăn và thách thức, sinh kế du lịch cộng đồng là sinh kế phụ nhưng góp phần kết nối các nguồn lực để phát triển đời sống kinh tế của người dân và cũng là chiến lược hợp lý để giúp cho cộng đồng diêm dân Thiềng Liềng có cơ hội đa dạng hoạt động sinh kế.
Đảo muối Thiềng Liềng đang là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn mạnh mẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với vị trí địa lý đặc biệt là "đảo trong đảo", Thiềng Liềng nằm tách biệt với các điểm đến của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn khác ở khu vực Đông Nam Bộ.
Không gian đẹp mắt, được bài trí chỉn chu của một hộ làm du lịch cộng đồng trên đảo Thiềng Liềng.
Thiềng Liềng chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, việc kết nối từ trung tâm thành phố đến Thiềng Liềng phải thực hiện qua việc sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy (ca nô hoặc tàu dân sinh). Cho đến nay, vấn đề kết nối phát triển du lịch Thiềng Liềng còn tương đối khó khăn về mặt phương tiện vận chuyển và bến bãi.
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng lại là điểm đến độc đáo đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Bởi lẽ, Thiềng Liềng góp phần tiên quyết vào việc kết nối tuyến hành trình "từ sông ra biển" của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, Thiềng Liềng còn có thể kết nối với hệ thống tuyến điểm từ sân bay quốc tế Long Thành tỉnh Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh vào Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Có thể hình dung, đây sẽ là tuyến kết nối quan trọng, đủ lực hút để khách du lịch đến với Thiềng Liềng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng cho phép du khách được hòa mình trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị. Trong ảnh, du khách đang học cách làm bánh dân gian do người dân trên đảo hướng dẫn.
Theo số liệu thống kê của Tổ Du lịch Thiềng Liềng, từ ngày 28/12/2022 đến tháng 3/2024, Thiềng Liềng đã đón hơn 3.000 lượt khách, doanh thu ước tính gần 900 triệu đồng. Du lịch Thiềng Liềng được các công ty lữ hành và các đơn vị truyền thông quảng bá với tên gọi là "xứ vàng trắng".
Về mặt định vị thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý địa danh Thiềng Liềng lại thêm nổi tiếng khi trở thành điểm đến du lịch cộng đồng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong không gian của một đô thị năng động như Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị đặc biệt của Việt Nam, Thiềng Liềng làm cho sản phẩm du lịch tổng thể tại thành phố thêm hoàn chỉnh và tăng sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia Khang