Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, nhiều địa phương ở Quảng Ninh đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề, trải nghiệm giá trị văn hóa.
Đường cáp treo lên Am Ngọa Vân, Đông Triều. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Tiên Yên là một huyện miền núi nằm trên trục giao thông huyết mạch Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Tiên Yên hiện có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch như: phố đi bộ Tiên Yên, thác Pạc Sủi, chợ phiên vùng cao Hà Lâu, du lịch cộng đồng xã Đại Dực, du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn Lòng Vàng, Hải Lạng…
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh cho biết, huyện hướng tới khai thác các thế mạnh về du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng và tìm hiểu nét đặc sắc của các dân tộc vùng cao, cảnh quan, các món ăn đặc sản địa phương. Huyện cũng đã đáp ứng cơ bản về cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, cơ sở lưu trú và định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, kết nối với địa phương để làm sao thu hút khách du lịch đến và ở lại lâu hơn.
Cũng như Tiên Yên, Bình Liêu là huyện vùng cao của Quảng Ninh có nhiều nét văn hóa đặc sắc, thắng cảnh đẹp, lễ hội truyền thống. Với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc. Cùng với đó, Bình Liêu triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch theo nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Các địa điểm du lịch sẽ khôi phục, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc. Huyện cũng tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn). Các địa điểm này sẽ khôi phục và đưa vào hoạt động mang bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ Mừng cơm mới, Lễ Lẩu then (dân tộc Tày); Lễ Cấp sắc, Lễ Pùn Voòng (dân tộc Dao). Đây cũng sẽ là những địa điểm tiêu biểu để du khách tìm hiểu giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Do đó, địa phương cần tập trung phát huy yếu tố văn hóa bản địa, xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, đặc sắc như: homestay, ẩm thực, sản phẩm OCOP, hoạt động văn nghệ, thể thao, văn hóa…; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng là người dân bản địa theo hướng chuyên nghiệp, gìn giữ bản sắc văn hóa, gìn giữ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống... Quảng Ninh cũng cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ, Quảng Ninh cần tập trung vào khai thác các điểm đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là không gian mở, giá trị văn hóa mở để phát triển du lịch, giảm tải cho khu vực trung tâm, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Để làm được điều đó, Quảng Ninh cần lựa chọn vùng phát triển du lịch cộng đồng trọng điểm, có điểm nhấn, xây dựng các dịch vụ hấp dẫn, khác biệt, đặc trưng.
Nét đẹp trang phục truyền thống của cô gái Dao Thanh Phán, một trong những sức hút với du khách khi đến Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, dựa trên các thế mạnh về tài nguyên du lịch, không gian du lịch, tỉnh tiếp tục định hướng, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo 4 vùng Hạ Long, Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô và Móng Cái, gắn liền với 4 dòng sản phẩm chính gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới. Đến nay, Quảng Ninh có 12/13 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch; trong đó có 33 tuyến và 91 điểm du lịch, 5 khu du lịch cấp tỉnh, 1 khu du lịch cấp quốc gia. Các địa phương đã chủ động phát triển các sản phẩm du lịch dựa theo lợi thế, điều kiện của từng khu vực, phát huy được hiệu quả của từng sản phẩm du lịch, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở khai thác các giá trị đặc trưng về tự nhiên và văn hóa các dân tộc, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh đang dần hình thành và phát triển tại khu vực phía Đông như Móng Cái, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ…, gắn với sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc, vẻ đẹp của vùng núi. Quảng Ninh cũng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khai thác tối đa tiềm năng du lịch 4 mùa, gia tăng thêm trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế. Việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên.
Đức Hiếu