Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 2: Bứt phá từ hợp tác công, tư

Cập nhật: 17/04/2024
Quá trình bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị hiệu quả từ Quần thể danh thắng Tràng An có sự kết hợp hài hòa giữa 4 chủ thể: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình đã tạo nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút nhà đầu tư; hỗ trợ các cá nhân, tập thể có những đóng góp, sáng kiến phát triển du lịch của tỉnh.

Khơi thông cơ chế, chính sách

Những năm đầu tái lập tỉnh (từ năm 1992), Ninh Bình xác định công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là mũi nhọn và xi măng là sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ninh Bình xác định chuyển mũi nhọn sang phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và đặt trong mối quan hệ phát triển hài hòa về lợi ích với phát triển các ngành kinh tế khác, nhất là kinh tế du lịch.

Du khách hào hứng trải nghiệm tại đảo du lịch Khê Cốc.

Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai gần 40 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với tổng mức đầu tư 16.212 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động phục vụ du khách hiệu quả, tiêu biểu như Emeralda resort, các khách sạn: Ninh Bình Legend, Hoàng Sơn Peace, The Reed, Ninh Bình Hidden Charm, Bái Đính...; nhiều khu, điểm du lịch lớn cơ bản hoàn thiện đi vào hoạt động phục vụ lượng lớn khách đến Ninh Bình như: Tràng An, chùa Bái Đính, Vườn chim Thung Nham, Hang Múa...

Ông Nguyễn Văn Phương, chủ cơ sở lưu trú Tràng An Legend Bungalow - Ninh Bình (thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) phấn khởi cho chúng tôi biết, cơ sở lưu trú của ông xây dựng từ năm 2021, cuối năm 2023 gia đình ông được tỉnh hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Gia đình ông Phương đã tập trung nạo vét ao, dựng mô hình thuyền đánh cá, thả thêm nhiều loại cá để khách du lịch tới lưu trú có không gian thư giãn câu cá, ngồi trên thuyền thả lưới đánh bắt cá; trẻ em có khu vực riêng để thỏa thuê bì bõm cầm nơm đánh bắt cá, mò ốc, bắt cua. 

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Nhiều người vẫn băn khoăn, tại sao Ninh Bình không làm cáp treo, vận hành thuyền máy tại Tràng An? Khi áp dụng phương thức kinh doanh du lịch chèo đò, chi phí đầu tư thấp, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân, giúp họ gắn bó và có trách nhiệm với di sản. Trong quản lý di sản và khai thác du lịch ở Quần thể danh thắng Tràng An có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Hình thức này được thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân, dựa trên các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả".

Hài hòa giữa du lịch thiên nhiên và văn hóa

Nhìn từ trên cao, đảo Khê Cốc có dáng giống hình trái tim nằm trọn trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An. Được đưa vào vận hành đón khách kể từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảo Khê Cốc là nơi tái hiện một góc nhìn không gian sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An sau biến thoái. Đó là khi môi trường tự nhiên ở bãi bồi thung lũng ven khe suối tạo điều kiện thuận lợi cho con người bước đầu định cư, khai thác và sáng tạo nên các hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú đan xen giữa hình thái cư trú thung khe và trú ẩn hang động, giữa sản xuất ban đầu và khai thác tự nhiên.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ truyền thông đảo du lịch Khê Cốc cho biết: “Hằng ngày, lượng khách đến với đảo Khê Cốc từ 1.000 đến 2.000 lượt, ngày chủ nhật lên tới 10.000 lượt. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nơi đây đón tới 20.000 lượt khách/ngày. Cảm nhận của du khách tới Khê Cốc là đều thích thú khi được tìm hiểu về văn hóa Tràng An và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, cùng các hoạt động trải nghiệm như: In rập hình ảnh họa tiết về rồng phượng, hóa thân thành thổ dân, thổ dân nhảy múa, thổ dân thu hoạch rồi đổi phần quà...".

Du khách thưởng thức trình diễn âm nhạc dân tộc trên mặt hồ Kỳ Lân. 

Đến Tràng An, các thành viên Câu lạc bộ khiêu vũ Phan Liên (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) háo hức trải nghiệm phố cổ Hoa Lư về đêm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Dung cho biết: “Đoàn chúng tôi có 32 người, xuất phát từ Hạ Long đến Ninh Bình từ 6 giờ sáng. Khi biết phố cổ Hoa Lư - sản phẩm du lịch mới về đêm của Ninh Bình có nhiều hoạt động đặc sắc, chúng tôi đã quyết định nghỉ lại để tham quan. Thật ấn tượng bởi ngoài tái hiện không gian cổ kính hấp dẫn của phố cổ, du khách còn được du ngoạn trên mặt hồ Kỳ Lân bằng thuyền nhỏ để thưởng thức âm nhạc dân tộc với sân khấu nổi giữa hồ; thưởng thức các món quà ẩm thực truyền thống...”.

Phố cổ Hoa Lư và đảo Khê Cốc là hai điểm nhấn văn hóa mà du lịch Ninh Bình phát triển trọng tâm trong thời gian tới. Theo ông Bùi Quang Ninh, Phó giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, thiên nhiên Ninh Bình đẹp thì ai cũng biết rồi, nhưng làm sao để khai thác về giá trị văn hóa, để người dân hiểu được giá trị văn hóa là một điều Ninh Bình hướng tới.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Trưởng Hà

Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 1: Làm giàu từ du lịch di sản

Tràng An kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 3: Định vị bản sắc, xây dựng “Đô thị cố đô - di sản”

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 16/4/2024