Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 3: Định vị bản sắc, xây dựng “Đô thị cố đô - di sản”

Cập nhật: 17/04/2024
Dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình định hướng xây dựng "Đô thị cố đô - di sản", tầm nhìn kiến tạo "Đô thị di sản thiên niên kỷ". Qua đó góp phần định vị bản sắc, xây dựng thương hiệu địa phương.

Tìm về giá trị cốt lõi

Về Hoa Lư, Tràng An hôm nay, nhìn lên những thánh tích đá vôi sừng sững, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cảm nhận hào khí anh linh hội tụ tại mảnh đất này, gặp những người con của Ninh Bình - nơi địa linh sinh nhân kiệt, bất cứ ai cũng đều cảm thấy tự hào. Chính mảnh đất này, bậc tiền nhân Lý Công Uẩn đã giong buồm tìm đến với Thăng Long, để rồi từ Thăng Long trải qua nghìn năm “mang gươm đi mở cõi”.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trung Dũng, Phó giám đốc Viện Quy hoạch - Xây dựng Ninh Bình, hiện nay có sự phân định khá rõ một bên là đô thị hiện đại và một bên là khu vực Quần thể danh thắng Tràng An. Do vậy, phải xác định phát triển và bảo tồn là hai nhiệm vụ song song, muốn phát triển mang dấu ấn riêng, mang đặc trưng của một Đô thị cố đô - di sản thì phần tiếp giáp với di sản cần có quy hoạch cụ thể, phân định rõ khu vực đô thị hiện đại, khu vực chuyển tiếp tiếp giáp với khu di sản Tràng An, bảo đảm tính hài hòa, trong đó phải tính đến cả mật độ xây dựng, hình thái kiến trúc của khu vực tiếp giáp đó. 

Đồng thời cũng phải nghiên cứu cả kiến trúc của các công trình công cộng hay nhà ở dân cư, dịch vụ thương mại xuất hiện trong khu vực chuyển tiếp phải có màu sắc kiến trúc riêng biệt, mang màu sắc văn hóa bản địa để không phá vỡ cảnh quan cũng như bảo tồn các giá trị truyền thống trong vùng đô thị. 

Du khách khám phá di tích lịch sử, văn hóa tại đền Vua Đinh Tiên Hoàng, Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Việt Lam

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đợt khai quật khảo cổ ở di tích Cố đô Hoa Lư năm 2021 làm xuất lộ nhiều vết tích kiến trúc mới cùng nhiều loại hình di vật, góp phần đưa đến những nhận thức mới làm rõ hơn về đặc trưng giá trị lịch sử - văn hóa của kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.

Với những tư liệu thu được, có thể khẳng định, Hoa Lư ở thế kỷ 10 là kinh đô có quy mô to lớn của nhà nước độc lập tự chủ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ thể hiện qua tên gọi Nhà nước Đại Cồ Việt, nghệ thuật Đại Cồ Việt... Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị lịch sử - văn hóa quý báu đã hiển hiện, mảnh đất Hoa Lư - Ninh Bình vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được hiểu hết. 

Tầm nhìn "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Tại Hội nghị khoa học bàn về “Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình” diễn ra cuối năm 2023, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chiều sâu nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn; đặc biệt là gợi mở cho Ninh Bình hàm ý về xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách đủ mạnh trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ nhằm phát huy giá trị di sản thành tài sản, sản phẩm công nghiệp văn hóa trong xã hội đương đại.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Tỉnh Ninh Bình nên chọn tương lai cho thành phố mới là Đô thị di sản du lịch và phong cảnh. Phương châm vĩ mô và lâu dài thành phố mới hướng đến phải là thành phố mà con người tại chỗ thụ hưởng cuộc sống yên lành, con người ở chỗ khác đến tìm thấy ở đây một nơi mà lịch sử - thiên nhiên - hiện tại cộng sinh, nơi có thể bồi bổ kiến thức lịch sử, được du ngoạn - thưởng lãm, tham gia hoạt động văn hóa - thể thao, hội hè... mà không nơi nào khác có được”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc: Để phát huy và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Hoa Lư trong tương lai trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ thì Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh và phù hợp, như: Nhóm các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, nhằm làm rõ sự cần thiết xác định vai trò, vị trí và tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ của TP Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp trên để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản; nhóm cơ chế, chính sách tạo ra nguồn lực tập trung về nội dung tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển; nhóm cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư tập trung vào xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, văn hóa...

“Quyết tâm xây dựng đô thị Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của mảnh đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Trưởng Hà

Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 1: Làm giàu từ du lịch di sản

Tràng An (Ninh Bình) kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ - Bài 2: Bứt phá từ hợp tác công, tư

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 16/4/2024