“Hồi trước chưa biết làm du lịch là gì, mình toàn lo chuyện nội trợ hoặc làm lụng ruộng vườn, với ở đây cũng chả có cảnh đẹp gì, ai mà chịu về đây tham quan”, bà Kim Lan, hộ dân tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh chia sẻ với đoàn khách của chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn trong buổi "Chuyện trò du lịch thời nay" được tổ chức ngày 15/4.
Không chỉ có bà Lan nghĩ vậy, mà rất nhiều người dân tại xã Hiệp Phước ban đầu cũng chẳng tin nơi họ sống có thể trở thành điểm đến của du khách gần xa, bởi nó quá dân dã, quê mùa khác xa với sự sầm uất, huyên náo, hiện đại mà nhiều người vẫn nghĩ đến khi nhắc về hai chữ đô thị.
Buổi "Chuyện trò du lịch thời nay" với chủ đề: Từ sản phẩm đặc trưng đến chuyện làm du lịch đô thị diễn ra tại huyện Nhà Bè, ngày 15/4.
Không còn phải đi thuyết phục
Từ cuối năm ngoái, cách vài bữa người dân lại thấy hơn chục người lạ đến đây, những người này là đoàn khách của tour Nhà Bè ngàn lẻ một đêm - một sản phẩm du lịch đặc trưng mới của huyện Nhà Bè và Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc nghiên cứu và tổ chức.
Bà Nông Thị Kim Mai, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Nhà Bè, chia sẻ “Xuất phát từ câu chuyện muốn tạo ra một sản phẩm du lịch đường sông cho Nhà Bè nhưng sau khoảng thời gian nghiên cứu có một số vấn đề còn hạn chế như thiếu bến bãi nên không thể thực hiện. Nhưng không từ bỏ, địa phương tiếp tục cùng công ty khảo sát và cuối cùng tạo ra được tour Nhà Bè ngàn lẻ một đêm”.
Dù trước đó người dân có phần không chào đón và e ngại về việc tham gia làm du lịch, nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ, cuối cùng cũng nhận được sự hợp tác của người dân, minh chứng là nhà cô Hai Thủy và cô Ba Lan, hai hộ dân đang là điểm đến trong tour, thêm những hộ dân khác còn dành tặng đất xây và trang trí thành điểm cho du khách chụp hình, check-in. Khách lui tới nhiều vừa vui, vừa tạo thêm thu nhập, nhiều hộ dân cũng dần ngỏ ý muốn tham gia làm du lịch chứ không còn phải đi thuyết phục như trước nữa, bà Mai nói thêm.
Đoàn khách chụp hình kỷ niệm tại mảnh đất do người dân hiến tặng.
Là một huyện thuộc TP Hồ Chí Minh nhưng Nhà Bè lại mang những nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Nơi đây có tới năm nhánh sông đi qua, là Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp, nhiều mảng xanh tự nhiên với những cánh rừng bần, mắm, dừa nước trải dài theo những con rạch chằng chịt ngang dọc vùng đất này. Đa số người dân nơi đây vẫn làm ruộng, làm vườn, đánh bắt thủy sản…
Vùng đất tưởng chừng không có gì để níu chân du khách nhưng lại rất đủ đầy, từ chính cái tự nhiên, nếp sống bình dị của người dân, tất cả tạo thành điểm riêng biệt. Và điều đặc biệt, nhân tố chính của sản phẩm du lịch này chính là bà con, cộng đồng người dân địa phương. Họ là người giới thiệu, quảng bá, khai thác lối sống, những đặc trưng về văn hoá, ẩm thực, tín ngưỡng của cộng đồng mình đến với du khách. Đây chính là điểm nhấn của tour giữa một đô thị sôi động, náo nhiệt như TP. HCM.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly (bên trái) và ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc trong buổi chuyện trò.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cũng cho biết: “Tôi cũng đến Nhà Bè nhiều lần để tìm hiểu về con người và vùng đất, khi biết có tour đến nơi đây vào ban đêm và được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Hiệp Phước đã khiến tôi rất bất ngờ, bởi vì nếu chỉ đơn thuần tìm những điểm tham quan như các di tích văn hóa, lịch sử như một số quận huyện khác thì Nhà Bè không quá nổi bật, nhưng riêng về nét văn hóa của con người thì lại rất đặc trưng và làm nên sự khác biệt cho sản phẩm du lịch”.
Nhìn đâu cũng là vàng
Trong 3 tháng đầu năm nay, TP. HCM đón hơn 9,4 triệu lượt khách, mang về tổng thu du lịch ước đạt 44.710 tỉ đồng. Con số này đã cho thấy sự nhộn nhịp hơn của du khách đến với TP. HCM. Điểm nhấn trong bức tranh du lịch thành phố thời gian qua là sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm du lịch gắn liền với đặc trưng của từng quận, huyện. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch giúp thu hút du khách đến với TP. HCM nhiều hơn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đoàn khách mời ghé thăm Thánh thất Cao Đài Ban chỉnh đạo tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Cùng với tour Nhà Bè ngàn lẻ một đêm, TP. HCM hiện đang có những sản phẩm du lịch đặc trưng khác như “Tour Sử xanh” ở quận 3; “Cù lao giữa lòng phố thị” ở quận 4; “Vùng đất của những câu chuyện” ở quận 8 hay “Nghe kể chuyện đông y” ở quận 10, ở quận 12 “Còn bao điều lạ”, “Củ Chi - Vùng đất anh hùng”; “Chuyện nhỏ trong lòng chợ Lớn” ở quận 6, “Biệt động Sài Gòn” ở quận 1…
“Tôi làm kinh doanh nhưng tôi muốn né cạnh tranh và muốn làm được điều này tôi chọn những chỗ mà các doanh nghiệp khác khó vào, dĩ nhiên khó cho họ thì cũng khó cho mình. Khi bắt tay làm du lịch tại Nhà Bè, rất nhiều người cho rằng nơi đây không có gì để thu hút du khách, nhưng tôi nhìn đâu cũng là “vàng”, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công Ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc chia sẻ.
Du lịch muốn thu hút khách phải có bản sắc và tạo ra sự khác biệt, ở tour Nhà Bè ngàn lẻ một đêm du khách được trải nghiệm nhiều điểm mới lạ khác biệt. Đến đây, du khách được thưởng thức món cháo cối, mỳ trường dạ là những món ăn bình thường của người dân nơi đây nhưng lại rất mới mẻ với du khách cùng với những câu chuyện độc đáo của người địa phương kể.
Món cháo cối và nước chấm thấm đặc trưng của người dân xã Hiệp Phước.
Tham gia tour, du khách cũng là những người đi du lịch có trách nhiệm khi cùng với địa phương tìm hiểu và giữ gìn văn hóa, con người nơi đây, đi xe điện tránh thải khói bụi, họ đeo tai nghe để nghe thuyết minh của hướng dẫn viên mà không phải nói chuyện lớn làm ảnh hưởng đến buổi đêm của miền quê. Du khách tham gia ủng hộ mua sản phẩm của người dân là những món khô, chả cá, sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, những chiếc túi, ba lô… tất cả do người dân tự sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng cách mà Công ty Thuyền Nhiêu Lộc triển khai tour Nhà Bè ngàn lẻ một đêm cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua việc góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời giúp hỗ trợ đời sống người dân tốt hơn. “Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì chưa chắc, nếu vì lợi nhuận ai cũng đổ xô mà làm, nhìn từ địa phương, hiện nay quá trình tham gia du lịch còn ít, chưa thấy doanh nghiệp nào”, ông Mỹ nói.
Bên cạnh việc tạo ra nhiều giá trị cho người dân và địa phương, theo các đại diện doanh nghiệp trong buổi "Chuyện trò du lịch thời nay" với chủ đề: Từ sản phẩm đặc trưng đến làm du lịch - tổ chức tối ngày 15/4 tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tour thu hút khách hơn như lưu trú, bảo đảm an toàn cho du khách, đa dạng nơi vui chơi giải trí…
Đoàn khách tham quan thưởng thức mỳ trường dạ
Đặc biệt các khách mời cũng nhấn mạnh sự quan trọng của người dẫn tour. Theo chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Nhất Minh Dũng, “Tour đêm tại Nhà Bè đem đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, cách tiếp đón nồng hậu của người dân, khung cảnh làng quê và hấp dẫn nhất đến từ câu chuyện của người hướng dẫn. Để câu chuyện hấp dẫn người nghe, đòi hỏi người dẫn tour cần có kiến thức sâu rộng và tình yêu đối với mảnh đất và con người nơi đây, do đó cần chú ý đến việc đào tạo những hướng dẫn viên cho tour này”.
Ngọc Khuyến