Ngày 20/4, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cùng các đơn vị xây dựng và triển khai dự án truyền thông và sự kiện với tên gọi “Việt Nam xanh”.
Các đại biểu tham quan một gian hàng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.
Chương trình sẽ diễn ra liên tục trong nhiều năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng bao gồm: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Phát động các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường;...
Công bố các giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục môi trường cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Khởi động cho dự án này, Báo Tuổi Trẻ cũng tổ chức hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam nhấn mạnh, dự án nhằm hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, phát động và truyền tải các thông điệp của chiến dịch đến cộng đồng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định rằng, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chưa quản lý tốt rác thải nhựa và lượng rác thải nhựa không được tái chế, lãng phí cho nền kinh tế ước tính gần 3 tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách này rất cần sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn thành phố mang đến nhiều cơ hội.
Trong đó, hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại thành phố, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy vậy, vấn đề này vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết trong việc thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Cụ thể là hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ và chưa có môi trường để mua bán tín chỉ carbon một cách rộng khắp. Đặc biệt, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ cacbon, đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài.
Do đó, các địa phương cần có sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành để xử lý các thách thức nêu trên.
Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ carbon…
Quang Quý