Trải qua hàng triệu năm hoạt động kiến tạo địa chất tự nhiên, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp hoang sơ, nét văn hóa đặc sắc miền biển, đảo, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nguồn lực cho phát triển
Với diện tích tự nhiên 10,39 km2, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 28 km), huyện đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn (trung tâm huyện), đảo Bé và hòn Mù Cu (ở phía Đông, nằm sát đảo Lớn và không có người ở). Dân số của huyện trên 20.000 người, với 59% đang trong độ tuổi lao động, mật độ dân số khoảng 2.000 người/km2. Những năm gần đây, Lý Sơn được biết đến nhiều là bởi nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi trời biển gặp gỡ, giao hòa.
Huyện đảo này mang nét đặc trưng riêng có, với địa chất đặc sắc được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa biển, cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng hệ thống các di sản văn hóa quý giá được hội tụ và kết tinh từ nền văn hóa cổ của Việt Nam. Khách du lịch khi đến với Lý Sơn không chỉ để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ mà còn để khám phá đời sống thường ngày của người dân và trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc.
Sở hữu nhiều di tích văn hóa, lịch sử như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, di tích hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh tự, các di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh, với độ nắng dồi dào nhất trong hệ thống các đảo ven bờ, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho khai thác các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng quanh năm ở đây.
Công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, di sản lễ hội luôn được huyện Lý Sơn quan tâm - Ảnh: Công Tiến
Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1995/QĐ-TTg, ngày 4/11/2014 “Về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020” đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê biển, cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở y tế… Nhờ đó, khách du lịch đến Lý Sơn tăng nhanh, đặc biệt là năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19) với trên 265.000 lượt khách, tăng 165.000 lượt khách so với năm 2015.
Có thể nhận thấy, ngành du lịch, dịch vụ đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng mạnh (năm 2022 chiếm 46,08%), thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt. Năm 2023, huyện Lý Sơn đón 170.000 lượt du khách, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi “Về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Huyện ủy Lý Sơn đã đề ra Chương trình hành động, đồng thời xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chính quyền huyện đảo đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đưa địa phương phát triển theo hướng xanh và bền vững...
Phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo hấp dẫn
Bên cạnh những kết quả đạt được, chiến lược phát triển huyện đảo Lý Sơn hiện nay còn một số hạn chế, bất cập có thể nêu ra như hạ tầng kết nối và cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển ngành du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, việc đi lại khó khăn đang là một trong những điểm nghẽn khiến du lịch Lý Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế nên lĩnh vực du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa bền vững, thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng và các dịch vụ chất lượng cao để giữ chân du khách.
Bên cạnh tình trạng thiếu nước ngọt, nước nhiễm mặn trong mùa hè ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân và ngành du lịch, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trên đảo chưa được tối ưu về chiều sâu và tầm nhìn dài hạn nên chưa tận dụng và khai thác hết nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy Lý Sơn phát triển. Đáng chú ý, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch chưa cao và thiếu chuyên nghiệp, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, cũng như vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức.
Để đảo Lý Sơn phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm du lịch biển, đảo hấp dẫn, chính quyền huyện cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Trước tiên, thực hiện tốt công tác quy hoạch; cùng với nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng giao thông (trên đảo và trên đất liền) theo hướng kết hợp đồng bộ giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không để rút ngắn thời gian và lộ trình của khách du lịch khi đến Lý Sơn. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn trong tương lai sẽ là đòn bẩy tạo sự bứt phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch biển đảo, đưa du lịch Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Cơ sở lưu trú, phương tiện vận tải khách đường thủy ra huyện đảo Lý Sơn cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú và đi lại của du khách - Ảnh: Công Tiến
Thứ hai, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí kết nối khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư và sản phẩm OCOP của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch. Phát triển du lịch gắn với hội nghị, hội thảo; du lịch về đêm; du lịch gắn với các sự kiện thể thao…
Thứ ba, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số ngành du lịch nhằm phục vụ hoạt động quảng bá du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch đảo Lý Sơn. Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, xác định thị trường nội địa là đòn bẩy. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các nước trong khu vực để quảng bá sự hấp dẫn của du lịch biển, đảo.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch về chuyên môn nghiệp vụ, khả năng giao tiếp xã hội, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, các kiến thức về văn hóa, du lịch; từ đó bổ sung đội ngũ kế cận phục vụ, hoạt động trong lĩnh vực du lịch chuyên nghiệp.
Thứ năm, đề nghị giải quyết cho Lý Sơn được thụ hưởng ưu đãi cho vay chương trình hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg và cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân ở đây là Lý Sơn chưa đạt tiêu chuẩn là huyện nông thôn mới và nằm trong danh mục huyện nghèo, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022, của Thủ tướng Chính phủ./.
Công Tiến - Anh Tuấn