(TITC) - Ngày 22/4/2024 tại Paro, Vương quốc Bhutan, lãnh đạo 13 quốc gia có hổ trong tự nhiên, trong đó có Việt Nam đã tham dự Hội nghị “Tài chính bền vững cho bảo tồn sinh cảnh hổ”. Hội nghị được tổ chức bởi Chính phủ Vương quốc Bhutan, dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Jetsun Pema Wangchuck. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Quốc Trị đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị này.
Đoàn công tác của Việt Nam tại Bhutan. Ảnh: WWF-Việt Nam
Hổ là một trong số ít loài mà sự tồn tại và phục hồi của chúng bị chi phối bởi các thách thức lớn của nhân loại hiện nay, bao gồm suy giảm đa dạng sinh học, các vấn đề về phát triển và sức khỏe. Trong văn hoá và tín ngưỡng của nhiều quốc gia - hổ là loài vật biểu trưng cho sức mạnh, sự may mắn và quyền lực. Thế nhưng, chỉ trong hơn một thế kỷ qua, quần thể hổ hoang dã trên toàn cầu đã bị suy giảm nghiêm trọng, chúng đã biến mất khỏi 97% phạm vi sinh sống trước đây. Năm 2010, chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ sống ngoài tự nhiên. Với những nỗ lực không ngừng của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đặc biệt chương trình Nhân đôi số lượng hổ của WWF và các đối tác, số lượng hổ đã tăng lên 4.500 cá thể ngoài tự nhiên trong 12 năm qua. Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, sự tồn vong của loài hổ vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như mất môi trường sống, nạn săn bắn và buôn bán trái phép và đặc biệt là nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, kể từ năm 2000 chưa có một dữ liệu nào về hổ ngoài tự nhiên được ghi nhận. Để bảo tồn hổ, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ hoang dã, các hành vi săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép sẽ bị truy tố và xử phạt theo Bộ luật Hình sự 2017. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về bảo tồn hổ (2014-2022). Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức ảnh hưởng tới tính hiệu quả của những chương trình này như nhu cầu đối với các sản phẩm từ hổ vẫn tăng cao; năng lực thực thi pháp luật chưa hiệu quả; thiếu nghiên cứu khoa học về khả năng phục hồi cảnh quan hổ; sự bùng nổ mua bán sản phẩm từ hổ trên các sàn thương mại điện tử, cũng như khó khăn trong công tác quản lý các cơ sở nuôi nhốt hổ. Đây chính là những nguyên nhân đẩy loài hổ đến bờ vực tuyệt chủng.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị khẳng định: “Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của hổ. Chúng tôi cũng cam kết thực hiện trách nhiệm quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn hổ nói riêng, trong khuôn khổ các công ước CITES, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.”
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam: “Hội nghị là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam học hỏi các nước về mô hình bảo tồn hổ, đặc biệt vấn đề về tái thả hổ về hoang dã và quản lý nuôi nhốt hổ; tìm kiếm các cơ hội hợp tác; huy động nguồn lực tài chính để nhân rộng các mô hình bảo tồn hổ thành công được chia sẻ tại hội nghị. WWF cam kết hỗ trợ Việt Nam loại bỏ dần hoạt động nuôi nhốt hổ và đưa loài động vật quý hiếm này trở lại với môi trường sống tự nhiên của chúng.”
Trong ba ngày diễn ra hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị sẽ có buổi gặp mặt song phương với các lãnh đạo cấp cao của WWF nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên về các vấn đề bảo tồn hổ. Đồng thời thảo luận về một số vấn đề nổi bật như: hợp tác loại bỏ dần các cơ sở nuôi nhốt hổ không có mục tiêu bảo tồn; xây dựng Trung Trường Sơn trở thành cảnh quan mẫu nhằm áp dụng chương trình “Việt Nam vì sự sống” được học tập theo mô hình “Bhutan vì sự sống”.
Thông qua hội nghị này các tổ chức quốc tế và Việt Nam sẽ tìm kiếm được các nguồn tài chính từ cộng đồng toàn cầu hỗ trợ cho các nỗ lực bảo tồn và phục hồi loài hổ.
Trung tâm Thông tin du lịch