Lạng Sơn: Nâng chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch

Cập nhật: 25/04/2024
Hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sức hút cho du lịch Lạng Sơn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, nhiều sản phẩm khi đưa vào phục vụ đã có sức hút đối với du khách.

Du khách trải nghiệm và chụp ảnh tại vườn bưởi trên địa bàn thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để giúp ngành du lịch phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành du lịch của tỉnh. Từ đó góp phần làm tăng thời gian lưu trú tham quan, thúc đẩy chi tiêu, tăng nguồn thu từ du lịch.

Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Thời gian qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch như việc ban hành các kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm về phát triển du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tập trung phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội; du lịch biên giới, cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Trong đó, tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch…

Người dân hướng dẫn du khách tham quan vườn bưởi trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng

Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư đúng mức. Cụ thể từ năm 2022 đến nay, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố tập trung triển khai các đề án, dự án như: đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Lạng Sơn; đề án thí điểm sử dụng xe điện và xăng sinh học để vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái và khu dân cư mới tại xã Hữu Liên, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng; quy hoạch phân khu Khu tổ hợp dịch vụ, sân golf, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch, nhà ở Xứ Lạng Thủy Vân Sơn, xã Bắc La, huyện Văn Lãng…

Cùng đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh triển khai tiến độ thực hiện dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng các công trình, nhất là dự án trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng như: dự án đường giao thông kết nối quốc lộ 4B đến quốc lộ 18 và các dự án giao thông tạo động lực cho phát triển du lịch.

Lạng Sơn cũng là tỉnh có lợi thế về phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh - lễ hội, do đó thời gian qua các cấp, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, phát huy giá trị các di sản văn hoá, lễ hội trên địa bàn. Theo đó, trung bình mỗi năm tỉnh có gần 20 lượt di tích được tu bổ với số vốn hàng chục tỷ đồng. Bà Hoàng Thuỳ Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá, Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên thành phố đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Theo đó, từ năm 2016 đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được thành phố quan tâm đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí xã hội hóa tu bổ các di tích trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh được thực hiện với số vốn hàng trăm tỷ đồng.

Song song với việc đầu tư hạ tầng, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống lưu trú tại các điểm du lịch cộng đồng từng bước được chú trọng nâng cấp, phát triển. Trong năm 2023, ngành VHTTDL đã tiến hành kiểm tra, thẩm định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh lưu trú du lịch tại 36 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, ngành cũng hỗ trợ xây dựng làng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN tại 2 làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh (Bắc Sơn) và Hữu Liên (Hữu Lũng). Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương.

Nổi bật, hiện nay tỉnh đã và đang xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC), hình thành nên 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Theo đó, ngành du lịch hiện đang triển khai thiết kế và xây dựng các trung tâm thông tin CVĐC Lạng Sơn tại thành phố Lạng Sơn và các huyện…

Người dân và du khách trải nghiệm tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Cải thiện chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch

Nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh chú trọng làm mới các sản phẩm đã có, xây dựng thêm các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh của du khách hiện nay là đi du lịch ngắn ngày và đi theo nhóm nhỏ. Thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5/2024, điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm và điểm du lịch cộng đồng Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Anh Lương Văn Tuấn, du khách đến từ Hải Dương cho biết: “Thông qua các trang mạng xã hội, tôi biết được Bắc Sơn có rất nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ấn tượng như bè trên suối, trải nghiệm làm bánh dày, thưởng thức các đặc sản... nên tôi và nhóm bạn 5 người đã thống nhất chọn Bắc Sơn làm địa điểm để tận hưởng kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay”.

Được biết, trong những năm gần đây, huyện Bắc Sơn đã tích cực làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn như: xây dựng điểm du lịch sinh thái và trải nghiệm Bắc Sơn Hoa, thuộc thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng thành điểm du lịch của tỉnh. Ngoài ra, tại các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn huyện cũng được khuyến khích nâng cao chất lượng, dịch vụ để đón du khách. Cụ thể, điểm du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã và đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN các điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, Vườn Quýt Hang Hú, điểm du lịch cộng đồng Hoan Trung, Vũ Lăng đã xây mới thêm một số chòi nghỉ, trồng thêm hoa và mở rộng quy mô, trang trí thêm nhiều tiểu cảnh bắt mắt để du khách chụp ảnh, trải nghiệm.

Không riêng huyện Bắc Sơn, các địa phương khác trong tỉnh hiện nay cũng đang tích cực làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch để thu hút du khách. Cụ thể như: huyện Hữu Lũng triển khai các dự án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên; dự án đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp tham quan sinh thái và dự án Du lịch sinh thái văn hóa dân tộc tại thôn Tân Lai, xã Hữu Liên; huyện Tràng Định tập trung xây dựng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng người Mông (xã Cao Minh), Dao đỏ (xã Vĩnh Tiến); hay như thành phố Lạng Sơn xây dựng số hóa điểm du lịch Nhị Thanh - Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, mở rộng không gian điểm du lịch phố đi bộ Kỳ Lừa; huyện Chi Lăng triển khai xây dựng các tuyến du lịch sinh thái, nông nghiệp gắn kết với các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, xây dựng và phát triển điểm du lịch văn hóa tại Trạm nghỉ chân Hoa Hồi…

Một yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Do đó, từ năm 2022 đến nay, ngành du lịch tỉnh đã tổ chức gần 20 khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch cho hơn 1.000 người dân, cán bộ quản lý tại các điểm du lịch; tổ chức 2 hội thi nghiệp vụ buồng khách sạn tỉnh và hội thi tuyên truyền, hướng dẫn du lịch Lạng Sơn phát động chương trình “Đại sứ du lịch” và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại 53 điểm du lịch của tỉnh…

Với những giải pháp này, tỉnh Lạng Sơn đã thu hút lượng khách lớn đến địa bàn. Cụ thể năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, dự ước tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt 1,521 triệu lượt (tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023), doanh thu ước đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... Qua đó góp phần đưa Lạng Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước.

Thời gian qua, hệ thống dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được chú trọng nâng cấp, phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 294 cơ sở với 3.784 buồng lưu trú và 6.846 giường trong đó có 421 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn hiện có 53 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 6 điểm du lịch cộng đồng.

Tuyết Mai

Nguồn: Báo Lạng Sơn - baolangson.vn - Đăng ngày 24/04/2024