Tuyến đường bộ kết nối ven biển hình thành cùng với quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, đường kết nối cảng biển sân bay, khu kinh tế, hành lang Đông - Tây sẽ khơi thông các không gian phát triển mới, đánh thức tiềm năng của biển miền Trung. Từ đây, các tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng “xương cá” kết nối liên vùng, liên tỉnh thông suốt trục ngang, dọc; khai thác thêm các dịch vụ vận tải thông minh, tiết kiệm để làm “đòn bẩy” thu hút dự án động lực.
Đánh thức những vùng cát cháy
Từ bao đời, người dân sống ở hạ nguồn sông Lam huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) chỉ biết “ngóng” sang Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) bởi cửa sông rộng, sóng lớn, thuyền bè không thể qua lại. Từ khi tuyến đường ven biển với cây cầu Cửa Hội được đầu tư, đã giúp người dân giao thương, thừa hưởng các thành quả kinh tế, văn hóa, giải trí của 2 địa phương.
Cầu Cửa Hội (dài 5,2km, vốn đầu tư 950 tỷ đồng, hoàn thành năm 2019) là công trình vượt biển dài nhất miền Trung, góp phần hoàn thiện tuyến đường biển Hà Tĩnh - Nghệ An, cải thiện giao thông khu vực Bắc Trung bộ và mang ý nghĩa lớn về quốc phòng an ninh, đời sống dân sinh…
Khu vực Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) và thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang được xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng nước sâu kết nối với tuyến đường ven biển, tương lai trở thành Trung tâm dịch vụ logistics vùng Bắc Trung bộ - Ảnh: Duy Cường
Ngồi giữa làng chài di sản văn hóa phi vật thể Nam Ô (phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cụ Trần Ngọc Vinh (74 tuổi) cho biết, trước đây cư dân làng biển này sống biệt lập. Nhưng từ khi đường ven biển Nguyễn Tất Thành (được mệnh danh là cung đường “5 sao” đầu tiên của miền Trung ôm 1/3 vịnh Đà Nẵng) được đầu tư 10km, đã đánh thức cả làng biển Nam Ô và các làng biển Xuân Hà, Thanh Bình. Dọc đường Nguyễn Tất Thành ngày nay là những khu đô thị sầm uất, nhộn nhịp. Phía bờ bên kia sông Hàn, tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Hoàng Sa chạy dọc các bãi biển đẹp bậc nhất thế giới; dải cát nghèo khó trở thành những đô thị biển, khu resort, khách sạn đẳng cấp quốc tế.
Cây cầu Cửa Hội và đường ven biển đã “đánh thức” vùng đất sình lầy cuối sông đầu biển thuộc huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) - Ảnh: Duy Cường
Tuyến đường bộ được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã kết nối các vùng biển, đánh thức nhiều đô thị biển, làng chài đẹp ở phía Bắc tỉnh Bình Định. Cung đường này khai phá nhiều quỹ đất, không gian phát triển kinh tế, đô thị, du lịch, dịch vụ, hậu cần thủy sản rộng cả trăm ngàn hécta. Ông Trần Đình Trực, Chủ tịch thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định), kể: “Cát Tiến phát triển trở thành chuỗi đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo ven biển tầm vóc như hôm nay là nhờ những cung đường kết nối biển”. Từ Cát Tiến chạy ngược theo đường biển rộng 20m vượt biển ra cầu nối biển Đề Gi, hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp hàng ngàn tỷ đồng đang được đầu tư.
Dẫn dụ “đại bàng”
Tuyến đường Võ Chí Công mở ra quỹ đất 20.000ha ven biển tỉnh Quảng Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến. Nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí hàng chục ngàn tỷ đồng được xây dựng tại đây như khu nghỉ dưỡng phức hợp Hội An, khu du lịch Vinpearl Nam Hội An…
Sau thời gian khảo sát, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã quyết định đăng ký đầu tư dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí 4 tỷ USD, 1.000ha ở địa bàn 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam), lấy đường ven biển Võ Chí Công làm động lực dự án.
Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch/CEO Hoiana Resort & Golf, kể, tuyến đường ven biển kết nối từ Đà Nẵng đến sân bay Chu Lai, Quảng Nam là một công trình trọng yếu, tạo đà cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Tuyến đường cũng là đòn bẩy để các nhà đầu tư nước ngoài thêm tự tin phát triển và mở rộng dự án về phía Đông, thúc đẩy tối đa tiềm năng du lịch của khu vực này như du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp hay du lịch golf, lưu trú dài ngày. Đường ven biển kết nối, loạt dự án FDI quy mô lớn cũng đầu tư vào Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp. Trong đó, Tập đoàn Karcher (Đức) triển khai dự án nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch Karcher Việt Nam, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 20 triệu EUR, dự kiến sẽ tạo việc làm cho 300 lao động địa phương.
Tuyến đường Võ Chí Công của tỉnh Quảng Nam được mở dọc ven biển đã mở ra quỹ đất hơn 20.000ha cho du lịch là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến. Ảnh: Nguyễn Cường
Trong khi đó, tuyến đường ven biển cũng mở ra nhiều vận hội mới cho vùng đất ven biển Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên Đậu Xuân Lâm báo tin vui, 1 tập đoàn lớn ở Thái Lan đang khảo sát, xúc tiến đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn ở địa bàn xã.
Các khu nghỉ dưỡng phức hợp với số vốn hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã được mọc lên ở vùng ven biển cát trắng của tỉnh Quảng Nam kể từ khi tuyến đường Võ Chí Công được đầu tư - Ảnh: Nguyễn Cường
Còn ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh (thị xã Cửa Lò) nói, nhờ có tuyến đường ven biển và cầu Cửa Hội mà các đoàn du khách trong và ngoài nước khi tham gia các tour, tuyến du lịch rất thuận lợi để lên Nam Đàn thăm quê Bác Hồ, sau đó ngược sang huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thăm Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ…
Khu kinh tế mở Chu Lai được ví như “hoa xương rồng trên cát” khi từ một vùng đất nghèo khó nay đã đóng góp 60% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Nguyễn Cường
Khơi thông các hành lang kinh tế
Cuối năm 2023, Đà Nẵng khởi công dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 14B (hành lang quốc lộ 14) lên 6 làn xe, từ nút giao thông Túy Loan đến giáp tỉnh Quảng Nam, với số vốn gần 800 tỷ đồng. Hành lang này kết nối các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Kỳ Hà - Chu Lai (Quảng Nam) với Tây Nguyên sang Campuchia, Lào, tạo thành hành lang kinh tế Đông - Tây mới “cộng hưởng” với hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) hiện hữu kết nối cảng Tiên Sa, Chân Mây (Thừa Thiên Huế) với Quảng Trị sang Lào, Thái Lan.
Từ đó tạo nên động lực mạnh mẽ cho kinh tế miền Trung. Ngoài ra, Đà Nẵng đang tập trung đầu tư bến cảng du lịch quốc tế Tiên Sa, nằm giữa các di sản lớn, như cố đô Huế, phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thu hút rất đông tàu du lịch xuyên lục địa từ các nước Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc…
Các hàng quán gần làng Nam Ô mọc cuối đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - Ảnh: Xuân Quỳnh
Tại hội nghị cấp cao 5 địa phương của 3 nước về liên kết EWEC Việt Nam - Lào - Thái Lan, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị các địa phương nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là quốc lộ 14D và sớm đề xuất Chính phủ thống nhất áp dụng các thủ tục, phí, giá qua các cửa khẩu theo hướng tiết kiệm, nhanh gọn nhất.
TP Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cung cấp dịch vụ logistics cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái EWEC - Ảnh: Xuân Quỳnh
Ông Chinh đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy liên kết, hợp tác đầu tư hạ tầng logistics hiện đại, nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên tuyến EWEC. TP Đà Nẵng cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cung cấp dịch vụ logistics cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái EWEC, nhằm hỗ trợ tra cứu dễ dàng thủ tục thuế suất, xuất nhập khẩu. Đà Nẵng kêu gọi các địa phương trong EWEC cần sớm thúc đẩy kết nối tạo các hành lang du lịch di sản để khai thác tiềm năng sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng giữa các nước.
Cầu Cửa Đại nối đôi bờ sông Thu Bồn đã giúp kinh tế - xã hội của khu vực vùng Đông của tỉnh Quảng Nam được phát triển, đời sống người dân nâng cao - Ảnh: Nguyễn Cường
Xây dựng trung tâm logistics ở Bắc Trung bộ
Ven biển các huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đang hội tụ những cung đường giao thông được đầu tư ngàn tỷ đồng cùng với 2 cảng biển: Cửa Lò, Nghi Thiết. Nơi đây đang được tỉnh Nghệ An quy hoạch phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics toàn Bắc Trung bộ. Khi đường ven biển kết nối các tỉnh hoàn thiện sẽ “xâu chuỗi” các khu kinh tế biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tạo hành lang kinh tế biển chủ lực của chiều dài biển Bắc Trung bộ.
|
Mới đây, tại cuộc làm việc với đoàn công tác Trung ương, tỉnh Bình Định kiến nghị sớm được bố trí kinh phí đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với chiều dài 143km, tổng vốn 37.600 tỷ đồng. Bình Định đánh giá tiềm năng mới khi kích hoạt EWEC từ tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngoài ra, hiện hành lang “huyết mạch” quốc lộ 19 từ tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua Tây Nguyên về Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 cụm cảng cạn (ICD) gồm: Nam Pleiku, Lệ Thanh, Thị Nại và Quy Nhơn để tổ chức vận tải hàng hóa container, logistics tiết kiệm.
Tuyến đường kết nối ven biển Bình Định không chỉ mở ra không gian kinh tế biển mới, mà còn mở ra nhiều tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa, tâm linh, sinh thái kết nối cộng đồng ven biển - Ảnh: Ngọc Oai
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội đã đánh giá cao tầm nhìn, tư duy của Bình Định và cho rằng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là dự án có tính chất chiến lược, mang nhiều ý nghĩa kinh tế, an ninh quốc phòng, dân sinh. Đặc biệt, dự án mang ý nghĩa hợp tác EWEC và khai thác tiềm năng từ tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, mới đây, tại diễn đàn hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch thúc đẩy EWEC và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, tỉnh đã nhấn mạnh vai trò cảng biển quốc tế Quy Nhơn là “cửa ngõ” biển Đông gần nhất của EWEC và cả tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
“Bình Định có vai trò lớn trong tiểu hành lang phía Bắc, thuộc hành lang kinh tế phía Nam (SEC) các tiểu vùng sông Mekong. Trong đó, cảng Quy Nhơn có ý nghĩa là cửa ngõ Biển Đông gần nhất của tiểu hành lang, gồm các tỉnh, thành 3 nước: Bangkok - Siem Reap - Stung Treng - Ratanakiri - Pleiku - Quy Nhơn”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, tại diễn đàn, Bình Định đã đưa ra cam kết sẽ ủng hộ, làm hết sức mình để trục hợp tác Đông - Tây và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia sớm hình thành, phát huy tiềm năng phát triển, hợp tác liên vùng và cả 3 nước.
Làng biển Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) được đánh thức nhờ cung đường kết nối ven biển giữa 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Ảnh: Ngọc Oai
Ngọc Oai - Nguyễn Cường - Xuân Quỳnh - Duy Cường
Động lực từ những cung đường ven biển - Bài 1: Nối liền mạch ven biển