Tỉnh Bình Phước đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, gắn với phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng.
Tỉnh Bình Phước có diện tích trong quy hoạch ba loại rừng hơn 171 ha, trong đó rừng đặc dụng hơn 31,179 ha, rừng phòng hộ là 43,548 ha và rừng sản xuất là 96,799 ha. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, rừng ở Bình Phước đang đem lại nhiều nguồn lợi, trong đó có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái khi được quy hoạch, đầu tư bài bản.
Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng ở Bình Phước đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là khi tỉnh triển khai thực thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, các cấp, các ngành của Bình Phước đã đặt ra mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng tập trung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; tập trung phát triển vùng nguyên liệu có quy mô gắn với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ gắn với chế biến theo công nghệ tiên tiến.
Khu vực rừng Bình Phước có các di tích, danh lam thắng cảnh, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Rá, Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch... Vườn quốc gia Bù Gia Mập rất đa dạng về cảnh quan sinh thái, nổi bật như: giếng Trời, thác Đak Bô, suối Đak Ka, hang Dơi, thác Lưu Ly, thác Đak Rốt...
Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Rá là thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh, thác Mẹ, thác Mơ, rừng cây có hệ thực vật đa dạng, phong phú. Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch có cảnh quan gắn liền với diện tích đồng cỏ tự nhiên của Trảng cỏ và hồ Bù Lạch, có thác Voi có thể đầu tư xây dựng thành khu, điểm du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao, mạo hiểm, ẩm thực phong phú (cơm lam, rượu cần, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng, rượu cần truyền thống…).
Bình Phước chú trọng công tác bảo vệ rừng để khai thác, phát huy lợi thế nguồn tài nguyên này trong phát triển kinh tế. Ảnh: BBP.
Bình Phước đang triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện đề án quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Để phát huy nguồn lực từ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã thống nhất kết luận về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu cao tầm quan trọng của giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; hoàn thiện và củng cố các phòng, trung tâm về cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái tại các đơn vị chủ rừng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, nguồn nhân lực địa phương. Tuy nhiên, để rừng là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn vẫn cần có sự đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến tour, tuyến hợp lý.
Phát triển du lịch sinh thái từ lợi thế tài nguyên rừng đang được tỉnh Bình Phước đẩy mạnh triển khai (Ảnh minh họa).
Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 12.778 tỷ đồng. 100% các Ban quản lý rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, hoàn thành việc lập Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng. Tỉnh thông qua các hình thức tự tổ chức thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê môi trường rừng để kêu gọi/chuẩn bị đầu tư 7 dự án đầu tư về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; kết nối, lồng ghép các tuyến du lịch nội tỉnh với sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo tuyến Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan nhằm thu hút đông đảo du khách đến Bình Phước.
Năm 2030, tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 29.571 tỷ đồng; xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 12 dự án về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng cao nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của du khách. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Phước đẩy mạnh công tác quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các đơn vị chủ rừng.
Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về quản lý rừng, quy định liên quan trong suốt quá trình triển khai... Tỉnh quản lý chặt chẽ, hạn chế tác động môi trường khi triển khai dự án, mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm với phát triển du lịch. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh môi trường, không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật rừng.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, nhất là người dân làm nghề rừng…
Minh An