Rừng ngập mặn: Bể chứa carbon giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Cập nhật: 03/05/2024
Trữ lượng carbon rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha. Trong đó, trung bình lượng carbon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%. Còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn (độ sâu khoảng 30cm).

Tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam hiện khoảng 200.000 ha, thuộc địa bàn 28 tỉnh/thành phố (tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%). Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Không những có giá trị kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, rừng ngập mặn còn là một bể chứa carbon lớn, góp phần đáng kể trong việc giảm nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc đánh giá khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ngập mặn nhằm tạo cơ sở khoa học cho công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn; cung cấp thông tin cho việc đàm phán quốc tế trong các chương trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính. Nguồn thu từ bán carbon sẽ được hỗ trợ thêm vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng rừng ngập mặn.

(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các chuyên gia đã áp dụng thí điểm thử nghiệm đo đếm xác định trữ lượng carbon rừng ngập mặn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, TP. HCM và Cà Mau. Các khu vực được lựa chọn đại diện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam (Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ). 

Kết quả cho thấy, trữ lượng carbon của rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha. Trong đó, trung bình lượng carbon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%. Còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn (độ sâu khoảng 30cm). Kết quả thử nghiệm đo đếm xác định trữ lượng carbon tại 6 tỉnh đại diện đã xác định lượng carbon tại ô mẫu; xác định lượng carbon trung bình theo loài cây, trạng thái rừng. Từ số liệu này kết hợp bản đồ hiện trạng rừng với số liệu lượng carbon trung bình theo loài cây, trạng thái rừng để xác định lượng carbon theo đơn vị hành chính. Điển hình, trữ lượng carbon rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ninh khoảng trên 3 triệu tấn, TP Hồ Chí Minh 12,7 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn có tiềm năng lớn để trở thành một giải pháp nhằm đạt được đồng thời cả mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong NDC của các quốc gia, cũng như các chiến lược quốc gia khác về đa dạng sinh học hay giảm nghèo bền vững. Để phát huy tối đa tiềm năng này, trước hết, cần xác định phương pháp ước tính trữ lượng carbon và hướng dẫn các địa phương, tuân thủ các quy trình chặt chẽ của quốc tế để có các chỉ số liên quan đến rừng ngập mặn trong NDC. Điều này giúp dữ liệu rừng tăng tính chính xác và tạo điều kiện cho các bên đưa tín chỉ carbon rừng vào tham gia thị trường carbon.

Phạm Dung

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 14/3/2024